Nếu thu Hà thành đi vào thi ca như nguồn cảm hứng bất tận của các nghệ sĩ thì những món ăn ngày thu lại khiến lữ khách quyến luyến chẳng muốn rời chân. Trong gió heo may se lạnh, thật tuyệt vời khi vừa lê la hàng quán vỉa hè, hít thở tiết thu mát lành và thưởng thức món quà vặt đặc trưng của mùa thu.
Từ bao đời nay, “cốm sữa vỉa hè” - thứ quà quê chân chất mà tinh túy gắn liền với hình ảnh mùa thu Hà Nội “cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ”. Cứ vào độ cuối hạ đầu thu người làng Vòng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) lại ra đồng chọn từng bông lúa nếp cái hoa vàng căng tròn, chắc mẩy về làm cốm. Cốm gói trong lá sen già hoặc lá khoai ráy xanh non, buộc bằng sợi rơm vàng óng chỉ nhìn thấy cũng đã thòm thèm. Cách thưởng thức cốm cũng nhẹ nhàng và tinh tế. Đơn giản nhất là dùng mấy đầu ngón tay cho từng nhúm cốm nhỏ vào miệng, từ từ nhẩn nha cái vị mềm, thơm, ngọt đến mê li của cốm. Cầu kỳ hơn một chút thì dùng quả chuối tiêu hay hồng chín mọng, chấm vào từng hạt cốm để cảm nhận vị ngọt của chuối và hồng, dẻo của cốm hòa quyện lấy nhau.
Từ những hạt cốm xanh non ấy, người Hà Nội còn khéo léo sáng tạo ra bánh cốm, cốm xào, xôi cốm, chả cốm… rất ngon, mang bản sắc rất riêng của đất kinh kỳ. Nhiều năm gần đây, cốm Hà Nội có mặt khắp các tỉnh thành nhưng món ăn này ngon nhất, đúng vị nhất thì chỉ có ở thủ đô. Bởi cốm đâu chỉ là món ăn ngon, mà còn thưởng thức phong vị riêng của nó.
Nếu mùa hè có ly nước sấu chua mát lạnh, thì mùa thu Hà Nội lại chiều lòng người bằng sấu vàng ươm. Sấu chín thầm thì, như mùa thu dịu dàng tràn đến làm cho không gian có một sắc thái êm dịu lòng người.
Chỉ cần cạo lớp vỏ sấu bên ngoài, cắt thành đường xoắn ốc rồi trộn với muối, đường, ớt bột là bạn đã có một món quà vặt ngon lành. Đưa một miếng sấu nhỏ lên miệng cắn, thấy đủ vị chua - cay - mặn - ngọt tan trên đầu lưỡi. Ngon nhất là tự tay cầm từng quả, để sau khi ăn còn có thể mút mát thêm chút vị mê ly vương trên đầu ngón.
Sau sấu và cốm, có một thứ quả không thể quên là hồng ngâm. Quả hồng xuất hiện vào khoảng tháng 8 âm lịch khi Hà Nội vừa chớm thu và là một trong những món không thể thiếu trên mâm cỗ Trung thu.
Vỏ ngoài tưởng còn xanh nhưng khi bổ ra bên trong lại có màu vàng cam, vị ngọt nhẹ và ăn rất giòn. Hồng ngâm chỉ rộ lên chừng hơn tháng, sau rằm tháng 8 là thưa dần rồi nhanh chóng kết thúc nên khiến người ta thèm thuồng, pha chút nuối tiếc.
Nhà văn Vũ Bằng từng ví von: “Đến mùa mà không được ăn thì như là một người đàn bà đẹp đã để phí mất tuổi hoa, sau này sẽ nặng một niềm tiếc nhớ” khi nói về chả rươi - món ăn mang đậm phong vị mùa thu Hà Nội. Rươi xuất hiện cuối tháng 9 đầu tháng 10, khi thời tiết thay đổi, mưa nắng thất thường. Ai lần đầu tiên chạm mặt sẽ giật mình bởi hình dáng kỳ lạ của những con rươi nhung nhúc như giun đất, đủ màu xanh, nâu, vàng… Tuy hình thức hơi “khó ưa”, nhưng đây là món ngon không thể chối từ, nếu chần chừ phải đợi đến sang năm vì mùa rươi chỉ xuất hiện dăm ba ngày là hết.
Rươi nhiều chất đạm, có thể nấu củ cải, hấp, xào lá gấc, xào niềng niễng… nhưng đặc sắc nhất vẫn là làm chả. Cái vị thanh thanh, đăng đắng của vỏ quýt làm dậy mùi món chả, vị béo của trứng và thịt, ngọt của rươi hay thơm thơm của thì là… đánh thức cả ngũ quan người thưởng thức. Quanh năm, phố Hàng Lược, Chả Cá, Gia Ngư… đều có bán rươi nhưng để ăn đúng món rươi tươi chính vụ, bạn nên tìm tới đây vào mùa thu Hà Nội mới thưởng thức trọn vẹn hương vị đặc biệt của nó.
Nguồn: Vietravel.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét