Thứ Ba, 2 tháng 6, 2015

Đống Phúc Tự: ngôi chùa gỗ lớn nhất Quảng Ninh

Là một trong những ngôi chùa đẹp, kiến trúc độc đáo, Chùa Đống Phúc được xây dựng bằng 500m³ gỗ lim, hoa văn trang trí chùa được trạm trổ công phu, tinh vi. Đây là một trong những ngôi chùa bằng gỗ lớn nhất tỉnh Quảng Ninh.

Theo bia ký để lại, chùa Đống Phúc của làng Yên Hưng cổ (bao gồm xã Yên Giang, thị trấn Quảng Yên và một phần phía tây xã Cộng Hoà ngày nay) được xây dựng từ thời nhà Lý vào cuối thế kỷ thứ XI. Dưới thời nhà Trần, chùa trở thành danh lam, nơi truyền bá Phật pháp của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Do ở vị trí thuận lợi đông dân nên địa phương này là điểm khởi đầu tiếp nhận và phát triển Phật giáo trong vùng. Đống Phúc Tự đã trở thành trung tâm Phật giáo của trấn An Bang các thời Trần - Lê của An Quảng - Quảng Yên thời Nguyễn. Trải qua ngót một ngàn năm, đất nước thăng trầm, Đống Phúc Tự cũng chịu bao sự đổi thay.

Đầu thế kỷ thứ XIII, giặc Nguyên Mông xâm lược nước ta, triều đình nhà Trần phát động toàn dân làm “vườn không nhà trống” chuẩn bị đánh giặc.

< Gỗ lim dùng xây dựng chùa.
Dulichgo
Ở vị trí cửa ngõ Bạch Đằng, nhân dân địa phương thực hiện triệt để lệnh này. Đình, chùa, đền, miếu, nhà ở... được phá dỡ lấy gỗ, những cánh rừng lim bạt ngàn được khai thác. Tất cả biến thành cọc nhọn dựng thành trận đồ thuỷ chiến Bạch Đằng, tiêu diệt toàn bộ đạo thuỷ quân đồ sộ, dữ dằn của Nguyên Mông, làm nên đại thắng Bạch Đằng 8-3 năm Mậu Tý (1288) dưới sự chỉ huy tài giỏi của Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Đại Vương.

Đất nước thanh bình, dân làng xây dựng lại chùa Đống Phúc trên nền đất cũ, tiếp tục truyền bá Quốc giáo; lấy từ bi, hỉ xả, hành thiện cứu khổ, cứu nạn giúp đời, tế độ chúng sinh.

Quá trình từ khởi đầu ở triều đại nhà Lý đến cuối triều đại nhà Nguyễn, trong khoảng thời gian tám trăm năm, Đống Phúc Tự được nhiều đời Thiền sư kế tiếp trụ trì, nhiều lần được trùng tu, tôn tạo. Thuở ấy là ngôi chùa nhỏ, kiểu dáng thanh nhã, giản dị. Năm 1943, Thiền sư Thích Thanh Túc từ trần, chưa có sư trụ trì kế tiếp. Cửa Tam Bảo mất dần nề nếp, chỉ còn là nơi thắp hương cúng bái cầu phúc, cầu lộc trong những ngày tuần tiết.
Dulichgo
Tiếp đó, những năm dân làng phải dồn sức cùng cả nước kháng chiến chống Pháp, Mỹ… rồi mải lo toan hàn gắn vết thương chiến tranh, phục hồi kinh tế, ổn định cuộc sống, cán bộ, nhân dân địa phương chưa có điều kiện quan tâm đến tâm linh, tín ngưỡng nên không có người quản lý trực tiếp, toàn bộ đất vườn vườn chùa rộng lớn bị chia xé, chiếm đoạt, những pho tượng cổ bị đánh cắp.

< Cổng Đống Phúc Tự.

Các nơi thờ tự của chùa sụp đổ, dột nát hư hỏng. Một nhóm các già mộ đạo tự bảo nhau quyên góp gắn vá nhiều lần. Cảnh chùa chật chội, bức bối, vắng vẻ, tiêu điều, hầu như tắt hẳn tiếng mõ điểm chuông ngân.

Ngót nửa thế kỷ, nhìn cảnh chùa hoang tàn, những phật tử già nua xót lòng, khắc khoải ước mong có sư về trụ trì phù trợ tâm linh, dẫn dắt mình tu tâm hành thiện. Đáp ứng nguyện vọng ấy, năm 1998, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các cấp chính quyền tỉnh Quảng Ninh, huyện Yên Hưng đã cử Đại đức Thích Thanh Lịch về chùa Đống Phúc.

Nhận trách nhiệm trụ trì một ngôi chùa nhỏ dột nát ở một xã nhỏ nghèo nàn, phần lớn dân xã ý thức tín ngưỡng chưa xuôi thuận..., nhà sư trẻ 25 tuổi vừa rời ghế giảng đường Phật học, đứng trước những khó khăn chồng chất, lạ người, lạ cảnh, trăm bề thiếu thốn.
Dulichgo
Đại đức đã tu sửa chùa cũ cao ráo, thoáng mát, gọn gàng, thanh tịnh, sửa sang ban bệ, chấn chỉnh vị trí tượng thờ, tạo nên không gian thiêng liêng, trang nghiêm. Thiền sư chú ý củng cố phát triển Hội Phật tử, phục hồi nền nếp hương hoa, đèn nhang, tụng niệm hàng ngày. Tiếng mõ lại đều đặn, nhịp nhàng. Tiếng tụng kinh lại êm đềm, ấm áp. Âm thanh chuông chùa lại ngân nga, êm ả vang xa...

Nhà Chùa đã mua lại toàn bộ đất bị chiếm đoạt, giải được nỗi nhức nhối trong hàng chục năm nay của phật tử, của dân làng. Nhà chùa còn mua thêm một số ruộng cận kề mở rộng diện tích, san gạt mặt bằng thoáng đãng.

Thiền sư cũng nhanh chóng cải tạo cảnh chùa. Hàng chục chậu cây cảnh nhiều dáng thế được chuyển về, xếp đặt quanh sân, trước chùa, bên lối đi... được uốn tỉa thường xuyên, xanh tươi, mượt mà, ngắm không chán mắt. Hàng chục bồn hoa bốn mùa rực rỡ mầu sắc, ngan ngát hương. Cảnh chùa trở nên đẹp đẽ, thanh tịnh, thu hút những người cao tuổi năng đến thăm chùa, thưởng ngoạn cảnh thiền.

< Cây thị nghìn tuổi che bóng mát trong ngôi chùa cổ.

Năm 2009, chùa đã khánh thành ngôi thờ Tổ, kiến trúc dáng cổ, to đẹp khang trang. Năm 2010, chùa mở hội đúc chuông 1.000kg, hướng về Đại lễ kỷ niệm Thăng Long - Hà Nội tròn 1.000 năm tuổi. Hoàn thành năm 2012, chùa được xây bằng 500m³ gỗ lim với 76 trụ gỗ lim đỡ vòm chùa. Kiến trúc phía trong đặc trưng bởi hoa văn rồng phượng được chạm khắc công phu, giữa chính điện là hàng chục trụ gỗ lim kỳ vĩ.

Đây là ngôi chùa được xây dựng theo kiến nhà Trần, hoa văn họa tiết thời Lê và Nguyễn. Chùa có tổng diện tích khuôn viên khoảng trên 4000m², diện tích xây dựng 368m², được bố trí hài hòa giữa cảnh quan thiên nhiên, cây cối và kiến trúc Phật giáo. Ngoài ra chùa còn có 20 trụ đá trạm khắc được đặt trước mặt chính vòm đã làm ngôi chùa gỗ thêm uy nghi, trang trọng.

Hiện chùa cũng là trụ sở của Ban trị sự Giáo hội phật giáo Việt Nam thị xã Quảng Yên, là một trong những điểm nhấn quan trọng Khu di tích Quốc gia đặc biệt Bạch Đằng.

Du lịch, GO! tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét