Chủ Nhật, 31 tháng 5, 2015

Cách tránh mệt mỏi do lệch múi giờ

Uống nhiều nước, tránh rượu bia và đi dạo sau khi hạ cánh sẽ giúp bạn loại bỏ các biểu hiện của jetlag như mất ngủ.

Jetlag là hiện tượng cơ thể mệt mỏi khi bị chênh lệch múi giờ sau những chuyến bay dài. Dưới đây là một số kinh nghiệm giúp bạn gạt đi lo lắng không đáng có, để thoải mái hơn khi khám phá những miền đất mới.

- Trước chuyến đi

Tùy thuộc mức độ chênh lệch múi giờ mà trước hành trình từ một đến hai tuần, bạn hãy tự điều chỉnh thời gian biểu của mình nhanh hoặc chậm hơn một tiếng so với bình thường.

- Trên máy bay

Không uống cà phê, rượu bia: Cà phê là tác nhân gây ra hiện tượng mất ngủ còn rượu bia tạo cảm giác hưng phấn nhưng lại khiến bạn mất nước. Cả hai đồ uống này đều khiến cơ thể mỏi mệt khi hạ cánh.

Uống nhiều nước: Bạn sẽ bị mất nước nhanh hơn khi ở trên cao. Hãy tự nhắc mình bổ sung đều đặn sau mỗi tiếng. Ngoài ra bạn cũng nên sử dụng kem dưỡng  ẩm để tránh khô da và thuốc nhỏ mắt nếu sử dụng kính áp tròng.
Dulichgo
Sinh hoạt theo múi giờ mới: Nếu thời điểm hiện tại ở đích đến là ban ngày, bạn nên đọc sách, nghe nhạc và hãy nghỉ ngơi nếu là ban đêm. Ngoài ra, bạn cũng nên ăn uống theo múi giờ mới.

Nghỉ ngơi thật nhiều: Ngủ là giải pháp giúp bạn quên đi sự mệt mỏi do chênh lệch múi giờ. Những đồ vật như kính che mắt, bịt tai hay gối cổ sẽ giúp bạn chìm vào giấc ngủ nhanh hơn.

- Tại điểm đến

Nếu hạ cánh vào ban ngày, bạn hãy tranh thủ đi dạo. Điều tối kỵ lúc này là không nên ngủ ngay lập tức. Chiếc đồng hồ sinh học của bạn sẽ càng gặp khó khăn hơn trong việc thích nghi.
Dulichgo
Sáng sớm và trước khi đi ngủ, bạn hãy cố gắng thực hiện một vài động tác thể dục nhẹ nhàng. Điều này sẽ giữ tinh thần bạn sảng khoái, cơ thể luôn cân bằng vào ban ngày và dễ ngủ hơn vào ban đêm.

Vào bữa sáng, bạn hãy ăn các món có nhiều protein và hạn chế tinh bột, những thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều đường vì chúng sẽ chuyển hóa rất nhanh khiến bạn nhanh mệt.


Theo Diệu Huyền (Vnexpress)
Du lịch, GO!

Xôi bánh dày

Xôi bánh dày chỉ xuất hiện trong hai tháng mùa đông tại phố cổ Hội An. Thành phần của xôi bánh dày gồm bánh xôi và bánh dày. Tuy hai món khác nhau, nhưng với sự khéo léo của người phố Hội chúng được kết hợp thành cặp đôi, vừa đẹp mắt vừa tạo nên khẩu vị hài hòa, độc đáo.

Nguyên liệu món này vỏn vẹn chỉ ba thứ: nếp, đậu xanh và mè. Đầu tiên người ta chọn gạo nếp thơm, dẻo đã phơi đủ nắng để làm bánh dày. Tỉ mỉ nhặt sạch sạn trong nếp rồi mang ngâm từ 6 - 8 tiếng đồng hồ, cho vào rá để ráo nước trước khi bắc lên nấu. Xôi chín nhanh tay đổ vào cối giã. Giã lúc thật nóng đến khi xôi nhuyễn mịn, trắng bóng. Người ta lấy khối xôi ra khỏi cối để nặn thành những chiếc bánh dày nho nhỏ.

< Cùng với xôi, nhân đậu xanh bùi béo tăng vị thơm ngon hấp dẫn cho món xôi bánh dày.

Riêng phần nhân bánh dày được làm bằng đậu xanh. Chọn đậu xanh hạt nhỏ, cứng, ruột vàng, ngâm nước cho sạch, đãi vỏ, rang, xay bột rồi mới trộn với nước đường đã được sên cô đặc. Tiếp tục đánh hỗn hợp đậu xanh, đường cho tơi nhuyễn. Cuối cùng cho đậu xanh vào khuôn bằng gỗ để làm nên những viên nhân bánh hình vuông xinh xắn. Khi thành phẩm, từng viên nhân đậu xanh phải đảm bảo không quá bở, có độ mềm, dẻo vừa phải.
Dulichgo
Một trong những yếu tố quyết định chất lượng xôi bánh dày chính là những chiếc bánh xôi. Gạo nếp đãi qua nhiều lần nước cho sạch, sau đó ngâm vào nước lạnh có pha một ít muối qua đêm.

< Những chiếc bánh dày trắng mịn thơm mùi nếp mới.

Hôm sau đổ gạo nếp ra rổ cho ráo nước rồi hấp chín. Có thể rưới vào gạo nếp một ít nước cốt dừa hoặc một muỗng nhỏ dầu ăn, xới đều, tiếp tục hấp đến khi xôi chín dẻo. Rải xôi còn nóng ra mâm hoặc mặt phẳng.

Dùng hai tay nhào xôi thành một khối thật nhuyễn. Rưới từng chút dầu vào khối nếp, nhào lại cho kỹ đến khi khối xôi dẻo, mềm, không còn dính tay nữa thì vê xôi thành khối trụ dài. Thoa lên dao một lớp dầu ăn để cắt xôi thành những lát bánh một cách dễ dàng. Cứ thế lần lượt cho ra những chiếc bánh xôi xinh xắn.

< Khó cưỡng lại trước bữa mai ngon lành ở Hội An với một gói xôi bánh dày thơm lừng.
Dulichgo
Cũng như những món quà vặt khác nơi phố cổ Hội An, hàng quán xôi bánh dày rất giản tiện. Thường chỉ là cái thúng tròn to với hộp bánh xôi, mẹt bánh dày, một lọ mè rang... Khi khách đến hỏi mua, cô bán hàng lấy một miếng bánh dày lại thêm một viên nhân đậu xanh rồi cuộn lại.

Những chiếc bánh dày tròn trắng nhân đậu đặt giữa lòng bánh xôi đã lăn qua một lớp muối mè, tất cả được bọc trong tấm lá chuối xanh nõn. Cắn nhẹ miếng bánh, dẻo thơm mùi xôi nếp mới, thêm vị muối mè mằn mặn, beo béo...

Theo Phan Thị Thanh Ly (báo Thanh Niên)
Du lịch, GO!

Về miền Tây, ngắm cây Di sản VN

(DTO) - Trong tháng 5/2015, miền Tây có 2 cây cổ thụ được công nhận là Cây Di sản Việt Nam, góp phần trở thành những điểm du lịch tiêu biểu cho vùng mênh mông sông nước này.

< Cây lộc vừng cổ thụ 300 năm tuổi ở Hậu Giang.

Đầu tháng 5/2015, cây lộc vừng 300 năm tuổi nằm trên địa bàn ấp Long Hòa B, xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang được công nhận là Cây Di sản Việt Nam.  
Cây lộc vừng có chiều cao khoảng 22m, chu vi gốc 8m và tán rộng gần 100m2. Theo người dân địa phương, cứ sau Tết Nguyên đán cây thay lá và tới tháng 3 âm lịch cây lại xanh tốt, ra hoa trông rất đẹp mắt.

< Cây xoài 300 năm tuổi ở Bạc Liêu.

Cây xoài cổ thụ 300 năm tuổi tọa lạc tại ấp Biển Tây B, xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu cũng được công nhận là Cây Di sản Việt Nam trong giữa tháng 5 này.
Dulichgo
Cây xoài có chiều cao khoảng 15m, đường kính 1,92m, gốc to 4- 5 người ôm, tán tỏa bóng rộng đến 300m2. Đây được xem là cây xoài cổ thụ có tuổi thọ cao nhất ở Bạc Liêu nói riêng, khu vực ĐBSCL nói chung.

Việc các cây cổ thụ tại Hậu Giang, Bạc Liêu trở thành những Cây Di sản Việt Nam đã góp phần hình thành những điểm du lịch tiêu biểu cho các tỉnh nói riêng, khu vực miền sông nước ĐBSCL nói chung. Du khách khi tìm về với những cây cổ thụ để chiêm ngưỡng vẻ “hoành tráng” có thể kết hợp thưởng thức những món ăn dân dã trong hành trình khám phá thiên nhiên ở miền Tây cũng là một điều rất thú vị.

Theo Giang Hải Yến (Dân Trí)
Du lịch, GO!

Những cụ cây ngàn tuổi ở VN 

Thứ Bảy, 30 tháng 5, 2015

Mùa hè đến Huế

(PNO) - Những ngày hè, Huế thường là điểm dừng chân trong chuyến du lịch từ Nam ra Bắc và ngược lại. Dù đã đến một hay vài lần, nhiều người vẫn cho rằng mỗi lần đến Huế là một cảm xúc khác.

< Cầu Tràng Tiền buổi sáng sớm đầu ngày.

Tháng Năm, Huế bắt đầu vào mùa du lịch hè. Mùa hè, khách trong nước, những người chưa một lần đến Huế hay “đã đôi lần đến với Huế mộng mơ” đều muốn làm một cuộc hành trình qua đây. Huế là điểm dừng chân trong chuyến du lịch từ Nam ra Bắc và ngược lại. Mùa đông, những người làm du lịch nói vui là mùa Tây đổ bộ.

< Chùa Thiên Mụ.
Dulichgo
Dù đã đến một hay vài lần, nhiều người vẫn cho rằng mỗi lần đến Huế là một cảm xúc khác. Huế luôn quyến rũ, không chỉ ở cảnh đẹp mà còn ở con người. Và có lẽ, không nơi nào có bài học lịch sử trực quan sinh động như ở Huế.

< Đại Nội Huế.

Khách sạn ở Huế rất nhiều, đa phần tập trung phía bờ Nam sông Hương. Người dân địa phương còn gọi là khu Tây ba lô. Bạn có thể kiếm một phòng đôi có giá từ 200.000đ trở lên (phòng máy lạnh, tiện nghi vừa đủ). Ổn định khách sạn xong xuôi, rủ nhau tà tà ra phố.

< Rợp bóng cây trên những con đường nhỏ.
Dulichgo
Những con đường nhỏ đủ làm bạn mỏi chân khi trở về chốn cũ. Bạn có thể chậm rãi đi qua cầu Trường Tiền vào buổi chiều, rẽ phải đến chợ Đông Ba tìm một vài món ăn địa phương: bánh bèo, nậm, lọc, bún, chè đủ loại…

< Đường lên lăng Gia Long.

Rẽ trái là về hướng thành nội, có Đại Nội là điểm tham quan tiện lợi nhất cho du khách khi đến Huế. Bạn có thể tham quan từ khu vực phòng vệ như cổng thành, hồ (hào), đài quan sát… đến Ngọ môn, điện Thái Hòa, khu vực miếu thờ, khu vực dành cho Hoàng thái hậu, nơi dành cho các hoàng tử học tập, giải trí…

< Đường vào lăng Minh Mạng.

Ở các khách sạn đều có tour tham quan các lăng Tự Đức, Đồng Khánh, Minh Mạng, Khải Định, chùa Thiên Mụ… Khách cũng có thể dễ dàng thuê xe tự đi đến các nơi này. Huế có rất nhiều lăng tẩm. Để tham quan cho bằng hết, tìm hiểu một cách tường tận thì với thời gian ngắn sẽ không bao giờ xuể. Đa phần khách chỉ tham quan lướt qua, một buổi chiều có thể đi khoảng ba lăng.

< Một góc khung cảnh quanh Lăng Tự Đức.
Dulichgo
Hàng ăn ở Huế, nếu không rành bạn có thể không tìm được quán ăn ngon, vì vậy tốt nhất nên hỏi người địa phương, hay nhân viên khách sạn. Món ăn mà nhiều du khách muốn thưởng thức nhất là cơm hến. Muốn ăn cơm hến ngon, bạn có thể đi về hướng Vĩ Dạ, qua cồn Hến. Ngoài ra nơi này còn có món chè bắp được nhiều người gọi là “cặp bài trùng” của cơm hến.

< Cổng lăng Khải Định.

Món ăn đặc biệt nữa của Huế là bánh ướt cuốn thịt nướng. Kim Long là nơi nổi tiếng với món này. Tham quan chùa Thiên Mụ xong, trên đường về bạn hãy ghé qua Kim Long, quán nào ở đây cũng ngon với các món bánh ướt cuốn thịt nướng, bún thịt nướng…

Nhiều người đến Huế thích ăn quà rong mà người địa phương thường gọi là hàng gánh. Hàng rong ở Huế khá nhiều, buổi sáng có đủ các loại bún, tầm 8 giờ có đậu hủ, trái cây…; trưa hơn chút có đủ các loại chè, xê xế có bánh ướt cuốn thịt nướng, bánh bèo, nậm, lọc, ram ít, bún thịt nướng… Món nào cũng đầy hấp dẫn.

< Bánh ướt cuốn thịt nướng và bún thịt nướng Kim Long.
Dulichgo
Buổi sáng, bạn đừng nên ngủ nướng mà hãy thức dậy lúc hơn 5 giờ sáng và thuê một chiếc xe đạp hay xe máy rồi lang thang khắp các con đường ở Huế, vừa ngắm thành phố buổi sáng, vừa hít thở không khí trong lành.

< Đến Huế ai cũng muốn thưởng thức món bún bò.

Bạn có thể dừng lại, ngắm mặt trời bên dòng sông Hương hay đạp xe khắp thành nội, vòng quanh khu vực hoàng cung, qua những con đường nhỏ, ngắm những ngôi nhà đặc trưng của Huế với những hàng rào dâm bụt được xén tỉa thẳng tắp. Vòng ra cửa Đông Ba bạn sẽ gặp dòng sông uốn lượn theo con đường Bạch Đằng, phóng tầm mắt về phía bờ bên kia, nhìn cảnh giặt giũ dưới sông, đôi lúc khách lại giật mình có cảm giác như đang trong một thành phố nào đó của miền Tây.

< Kiến trúc Pháp ở Huế.

Khách có thể khám phá một Huế khác hơn với những con đường rộng lớn mà người dân thường gọi là khu phố mới, bên này cầu Trường Tiền. Nét dịu dàng cổ kính phía bên kia thành nội sẽ nhường chỗ cho sự hiện đại hơn với nhà cao tầng xen lẫn biệt thự. Trường đại học, thư viện, ký túc xá, cơ quan nhà nước, các nhà thờ lớn hầu như tập trung hết ở đây.

Một thú vị nữa của Huế là đi thuyền trên sông Hương để nghe ca Huế vào buổi tối, ngắm các cô gái Huế áo dài, khăn đóng, giọng nói thật dịu ngọt và giọng hát mê hồn với đàn tranh, đàn bầu, đàn nguyệt, gõ phách…
Dulichgo
Để khám phá Huế người ta phải mất nhiều năm, thậm chí có khi cả đời vẫn không hết, nhưng chỉ cần bốn ngày lang thang ở Huế, bạn cũng “hòm hòm” biết Huế và bắt đầu yêu Huế. Yêu những con đường nhỏ nhỏ, có hai hàng cây chụm đầu vào nhau suốt ngày rì rầm trò chuyện, yêu những chiếc lá bay bay trong buổi sáng tinh tươm, yêu cổ thành bí ẩn, dòng sông Hương lặng lờ trôi, êm đềm buổi sáng, lười biếng buổi trưa, mềm mại buổi chiều, để rồi bất chợt buột miệng hát: “Vẻ đẹp Huế chẳng nơi nào có được”.

Theo Bình An (Báo Phụ Nữ)
Du lịch, GO!

Bí ẩn cây thị quả dẹt quả tròn

Cây thị gắn với truyền thuyết lịch sử dưới thời nhà Đinh. Điều kỳ lạ là kể từ khi cây thị được trồng tại phủ Khống, năm nào cũng vậy, cây đều cho 2 loại quả, 1 dẹt, 1 tròn. Quả thị dẹt thì không có hạt, quả thị tròn thì có hạt. Và thị chín rộ nhất là vào dịp giỗ vua Đinh. Đó là những điều mà chưa một nghiên cứu khoa học nào lý giải được.

< Phủ Khống, lưng tựa hang Khống, bên phải là dãy núi đá dựng đứng, trước mặt là thung lũng nước. Nằm trong quần thể khu Hang động Tràng An thuộc cố đô Hoa Lư – kinh đô của nhà nước phong kiến đầu tiên ở VN.

Tháng 6 năm 2014, quần thể danh thắng Tràng An đã được UNESCO công nhận là di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên của thế giới. Tràng An gắn liền với những giá trị lịch sử, văn hóa của vùng đất cố đô Hoa Lư.

< 16km chèo đò trong hành trình tham quan nơi này là một trải nghiệm thú vị với bất kỳ du khách nào.
Dulichgo
Nơi đây những dãy núi đá vôi, thung lũng, sông ngòi hài hòa tạo nên một không gian cực kỳ huyền ảo, trữ tình, kỳ bí. Khung cảnh đẹp như một bức tranh thủy mặc: với mây trời, non xanh, nước biếc hòa quyện vào nhau. Long lanh đáy nước in trời. Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng.

< Những hang động, lạch ngầm xuyên qua các dãy núi đá vôi dẫn đường tới Phủ Khống là điểm cuối của cuộc hành trình.

Nhiều du khách đã gọi Tràng An là xứ sở của những điều kỳ diệu. Có lẽ không chỉ bởi vẻ đẹp của cảnh quan thiên nhiên mà còn bởi nhiều câu chuyện kỳ bí từ chiều sâu lịch sử của vùng đất cố đô.

< Không nhiều vị khách đến với vùng non nước này biết đến những câu chuyện kỳ lạ về một cây thị đứng hiên ngang bên Phủ Khống, xanh um và che bóng cả một góc trời nơi cửa phủ.

Chúng tôi cùng với gia đình PGS TS Trình Năng Chung, một nhà khảo cổ học có tiếng của nước ta đến thăm Tràng An và tìm hiểu thêm về những câu chuyện lịch sử và huyền thoại nơi non xanh nước biếc này.

< Tương truyền, Phủ Khống là nơi thờ 7 vị quan trung thần triều Đinh gắn với lịch sử khi vua Đinh Tiên Hoàng mất.
Dulichgo
Câu chuyện với nữ hướng dẫn viên của danh thắng Tràng An khiến chúng tôi biết thêm nhiều thông tin thú vị. Và một trong những điều kỳ bí mà chúng tôi quan tâm là câu chuyện về cây thị quả dẹt quả tròn tại điểm di tích phủ Khống, nơi ghi dấu tích của các quan lại triều Đinh.

< Phủ Khống được dựng ăn sâu vào hang núi.

Phủ Khống nằm trên một dải đất hẹp, lưng tựa vào hang Khống, bên phải là dãy núi đá dựng đứng, trước mặt là thung lủng nước mênh mông. Phủ Khống là nơi thờ 7 vị quan trung thần triều Đinh, gắn với các truyền thuyết khi vua Đinh Tiên Hoàng băng hà, 7 vị quan trong triều đình mang nhiều quan tài chôn theo các hướng rồi cùng tự sát để giữ kín những bí mật về ngôi mộ thật.

< Trải qua cả ngàn năm lịch sử, từ gốc thị năm xưa, cây thị "mẹ" chết đi, cây thị"con" đến nay vẫn không ngừng phát triển. Rễ thị xù xì, ôm trọn trong lòng rễ một tảng đá lớn.

Một vị tướng trấn giữ thành nam vô cùng cảm kích trước nghĩa khí của 7 vị trung thần liền lập bát nhang thờ cúng ở đây. Sau khi vị tướng này mất, nhân dân trong vùng đã lập đền thờ và trồng cây thị ngay trước cửa Phủ để tưởng nhớ các bậc trung thần.

< "Nếu không bị cản trở bởi việc làm sân gạch cho khu vực phủ thì rễ thị còn có thể lan rộng hơn nữa", ông Trần Văn Việt - người trông coi phủ cho biết.
Dulichgo
Điều kỳ lạ là kể từ khi cây thị được trồng tại phủ Khống, năm nào cũng vậy, cây đều cho 2 loại quả, 1 dẹt, 1 tròn. Quả thị dẹt thì không có hạt, quả thị tròn thì có hạt. Và thị chín rộ nhất là vào dịp giỗ vua Đinh. Đó là những điều mà chưa một nghiên cứu khoa học nào lý giải được.

< Cây ra quả nhiều nhất là dịp rằm tháng 8 hàng năm, đúng dịp giỗ vua Đinh Tiên Hoàng. Được biết, tỷ lệ quả tròn, quả dẹt trên cây chưa rõ nhưng hương thơm đặc trưng của thị là như nhau. Rất nhiều người dân quanh vùng khi biết đến cây thị kỳ lạ này có đến xin hạt đem về trồng thử nhưng khi cây lớn lên, quả cho ra cũng chỉ có loại quả tròn có hạt. Chỉ duy có cây thị ở Phủ Khống mới cho ra được hai loại quả.

Cây thị đến nay đã  hơn nghìn năm tuổi, rễ đã bám chặt tảng đá lớn trước cửa phủ. Nó tỏa bóng xanh mát khắp khuôn viên của ngôi đền nhỏ thờ 7 vị trung thần của vua Đinh .Những trái thị chín cây được hái dâng lên ban thờ mỗi buổi sáng mai như bày tỏ sự cảm phục trước tấm lòng trung nghĩa của những vị trung thần xưa.

< Không chỉ đặc biệt ở bộ rễ, cây thị hàng năm còn cho rất nhiều quả và lạ thay bao giờ cũng có hai loại quả trên cùng một cành. Một loại quả to, tròn có hạt và một loại quả dẹt không hạt.

Cuộc chuyện trò của vợ chồng vị giáo sư với nữ hướng dẫn viên du lịch càng lúc càng rôm rả. Dưới bóng cây thị, những câu chuyện lịch sử về cố đô Hoa Lư, về triều đại nhà Đinh, về nhiều điều bí ẩn đã trở thành huyền thoại cứ thế nối tiếp nhau. Có lẽ ở một nơi đầy linh thiêng như vậy, sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa con người và thiên nhiên trở nên 1 mạch ngầm thông suốt bất tận.

< Đã có một số nhà nghiên cứu về lịch sử và cũng như về thực vật đến tìm hiểu song không thể lý giải được hiện tượng ra quả kỳ lạ của cây thị này. Việc giám định niên đại chính xác của cây vẫn còn chưa được tiến hành song sự xuất hiện của cây thị Phủ Khống đã làm linh thiêng hoá, văn hoá hoá chiều sâu lịch sử của vùng đất cố đô.
Dulichgo
Tại sao người xưa lại chọn cây thị chứ không phải là 1 loại cây nào khác để trồng trước ngôi đền này? Tại sao cây lại có thể cho ra 2 loại quả cùng trên một nhành? Những điều bí ẩn đó chắc sẽ còn mãi với thời gian, như sự trường tồn của lịch sử dân tộc. Bởi trong tâm thức của chúng ta, nó cũng là 1 dấu tích minh chứng cho những câu chuyện lịch sử tự ngàn đời. Để từ những điều bí ẩn ấy, chúng ta thêm ghi nhớ lịch sử dân tộc và tự hào về quê hương đất nước Việt Nam.

Theo Khám Phá Việt Nam, báo Lao Động
Du lịch, GO!

Một cực đông, hai điểm đến

(TTO) - Nếu cực đông Mũi Đôi là điểm đến ưa chuộng của những tín đồ du lịch bụi bởi hành trình khám phá đầy gian nan và cực nhọc thì Mũi Điện là nơi lý tưởng để các cặp đôi tìm đến hẹn hò.

< Tới cực đông Mũi Đôi, du khách nên qua đêm để sáng sớm hôm sau đón bình minh đầu tiên trên đất liền Việt Nam.

Suốt hành trình khám phá hai danh thắng này, du khách sẽ bắt gặp những con đường nhựa phẳng lì, uốn lượn theo những dãy núi hùng vĩ chạy dọc bờ biển, băng qua sa mạc cát nóng bỏng hay hòa mình vào làn nước xanh trong như ngọc bích hoặc chiêm ngưỡng những nét kiến trúc cổ điển thời Pháp của ngọn hải đăng…

< Để đến Mũi Đôi, điểm cực đông trên đất liền Việt Nam, du khách sẽ băng qua sa mạc cát trải dài gần 10km. Trong ảnh: một nhóm bạn trẻ phấn khích giữa sa mạc cát trên hành trình tới cực đông Mũi Đôi.

Điều đặc biệt hơn là khoảng cách từ Mũi Đôi (xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) đến Mũi Điện (xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa, Phú Yên) khá gần nhau (khoảng 40km) và là hai điểm đến không thể bỏ qua với du khách trong mùa biển đẹp.

< Những hàng dương cao vút ở Mũi Đôi.

< Ngày nay, cực đông Mũi Đôi đã trở thành địa điểm chụp hình cưới lý tưởng của nhiều cặp đôi.
Dulichgo
< Gần 5g sáng là thời điểm lý tưởng để bạn băng qua bãi đá khổng lồ tới nơi đặt cột mốc tọa độ cực đông và ngắm bình minh.

< Nhóm bạn trẻ chụp hình bên mốc tọa độ cực đông Mũi Đôi trên đất liền của Việt Nam.
Dulichgo
< Trước khi rời cực đông Mũi Đôi, bạn ghé qua Xuân Đừng (còn gọi là Sơn Đừng), một làng chài nhỏ với nhiều cảnh đẹp hoang sơ.

< Bao quanh làng chài Xuân Đừng là biển nên người dân thường di chuyển bằng thuyền hoặc đi dọc bãi cát.

< Làng chài Xuân Đừng là nơi sống của người dân tộc Đàng Hạ và ngày nay nếp sống, ngôn ngữ của họ đã được Việt hóa hoàn toàn. Trong ảnh: trẻ con ở Xuân Đừng hồn nhiên chụp hình.

< Nằm trên doi đất nhô ra biển của tỉnh Phú Yên, Mũi Điện (còn gọi là Mũi Đại Lãnh) được xem là điểm đón ánh mặt trời thứ hai trên đất liền Việt Nam.

< Sau khi để xe máy tại nhà dân ven đường, du khách tiếp tục đi bộ theo con đường đất để lên Mũi Điện.
Dulichgo
< Tâm điểm của cảnh quan Mũi Điện chính là ngọn hải đăng được người Pháp xây dựng từ năm 1890 và là một trong số 45 ngọn hải đăng cấp quốc gia hiện nay.

< Đứng từ trên ngọn hải đăng, du khách sẽ được ngắm toàn cảnh bức tranh sơn thủy hữu tình còn nguyên sơ của xã Hòa Tâm.
Dulichgo
< Hay ngắm cảnh biển Mũi Điện đan xen với núi.

< Trước khi rời Mũi Điện, du khách nên dừng chân nghỉ ngơi ở bãi Tiên, một bãi biển êm đềm cách đó chừng 5km về phía Bắc.

Theo Tiến Thành (Báo Tuổi Trẻ)
Du lịch, GO!


Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2015

Vẻ đẹp Púng Hon

(BAVN) - Ít ai biết thượng nguồn con sông Mã hùng vĩ lại bắt nguồn từ con suối nhỏ Púng Hon đầy truyền thuyết và gắn liền với văn hóa đặc sắc của người Thái ở nơi phên dậu Mường Lèo, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La.

< Con Suối Púng Hon êm đềm chảy qua thung lũng Mường Lèo tưới tiêu cho những cánh đồng lúa đang thì con gái.

“Đến huyện Sông Mã rồi mà không lên thượng nguồn sông ở Sốp Cộp thì phí chuyến phiêu du vùng nam của Tây Bắc," người dân bản địa thấy chúng tôi giống dân phượt nên bảo thế.

< Người Thái ở Mường Lèo đánh bắt cá trên suối Púng Hon.

Từ trung tâm thị trấn Sốp Cộp, chúng tôi vật lộn với hơn 70km đường rừng, đi ngược theo một dòng suối nhỏ, băng qua cả chục con dốc dựng đứng thì vùng đất Mường Lèo huyền bí với những ngôi nhà sàn gỗ cao to lừng lững đã hiện ra trước mắt.

< Phụ nữ Thái tắm trên suối Púng Hon.

Dòng suối Púng Hon chắt chiu nguồn mạch của mây núi để dệt cho dòng sông Mã thêm hùng vĩ, hoang sơ. Hình ảnh cô gái Thái tắm tiên rồi chải tóc bên dòng Púng Hon, thế thôi mà cứ như mê hoặc cả núi rừng lẫn lữ khách ngang qua. Dòng suối miệt mài chảy. Cô gái e ấp, chải vuốt mái tóc mềm mại như dòng suối cho đến khi bóng chiều hạ ánh sáng xuống núi.

Nếu buổi chiều suối Púng Hon thuộc về các thiếu nữ thì sớm mai, nơi đây thuộc về những người già. Sáng nào cũng thế, bất kể xuân hay hạ, thu hay đông, những người có tuổi ở Bản Liềng đều tụ tập về đây do tương truyền rằng nước ấm ở Púng Hon cho người già ở bản nước da hồng hào, khiến con ma bệnh tật không thể xâm nhập vào cơ thể. Bởi thế, như một vị thuốc trời ban, bất kể ai thấy xương khớp mỏi đau, đều ra đây ngâm nước.


< Khỏa trần bây giờ chỉ e ấp ở những chốn thật kín đáo mà hiếm hoi bạn có thể thấy được.
Dulichgo
Vậy nhưng ngày nay, các cô không còn khỏa trần dưới làn nước như ngày xưa nữa đâu mà che chắn trong chiếc váy dài đen mỏng. Váy thuận tiện cả khi thay đồ, tránh con mắt tò mò của người lạ - chuyện này thuở xưa làm gì có, ai nấy đều vô tư, tiếc rằng giờ đây không còn. Tắm tiên đúng nghĩa chỉ có thể xảy ra ở những góc khuất, thật khuất... hoặc ven các bản làng bên sông Đà.


< Ở xứ Mường Lèo thiên nhiên hoang sơ là điều kiện lý tưởng cho các loài chim di trú theo mùa.

Biết chúng tôi lặn lội đường xa đến đây để tìm hiểu về dòng suối nước Púng Hon và sự huyền bí văn hóa nguyên sơ của bà con dân bản, ông Bí thư xã Mường Lèo Lèo Văn Thuận say sưa kể về huyền thoại của dòng Púng Hon.

< Vượt cổng trời Pá Thoóng để đến với thượng nguồn sông Mã, nơi được người Thái ở Sơn La mệnh danh là vùng đất của huyền tích về dòng sông.

Truyền thuyết kể rằng, Người Thái đen ở mường Púng Bánh đi săn thấy một con tê giác có ba sừng, phường săn đuổi mãi, qua những ngọn núi quanh năm mây phủ, qua những tán rừng nguyền sinh thì thấy một vùng đất bằng phẳng

< Khi con suối Púng Hon được hợp lưu với nhiều con suối nhỏ khác chảy đến huyện sông Mã thì đã thành một dòng sông chững chạc gắn liền với nghề bè luồng trôi sông.

Ở giữa vùng đất đó ở có một con suối nước trong xanh mà chiều chiều hươu, nai kéo từng đàn xuống uống nước. Biết là vùng đất tốt, tộc người ăn theo nước mới di dân đến khai khẩn dựng mường. 

Thời ấy, con người và muông thú cùng chung sống hòa thuận dưới cánh rừng đại ngàn năm này qua năm khác. Cai quản cả vùng rộng lớn là Phìa Tạo. Một ngày nọ, Nàng Huổi - con gái xinh đẹp độc nhất của Phìa Tạo không may mắc phải một chứng bệnh lạ, da dẻ sần sùi, lở lói.

< Từ khi người Thái đến di cư đến vùng Mường Lèo, họ mang theo phương thức trồng lúa nước và nghề dệt thổ cẩm vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.

Thấy con gái mắc bệnh, Phìa Tạo đã cho người đi khắp vùng mời các thầy lang tới trị bệnh và treo giải thưởng hàng chục con trâu mộng cho ai chữa khỏi bệnh nhưng vẫn chẳng ăn thua. Một lần, trong giấc ngủ, Phìa Tạo thấy gặp một ông lão râu tóc bạc phơ chỉ tay vào một đống đá bên suối và nói: “Ngươi hãy đào sâu xuống đống đá này sẽ tìm được thuốc trị bệnh cho con gái ngươi."

< Trên cánh đồng Mường Lèo.

Tỉnh giấc, Phìa Tạo vội cho người lật đá đào sâu xuống đất. Lạ thay, khi vừa đào được chừng một thước, rộng vài thước, một dòng nước nóng bỗng tuôn trào khắp mặt đất.
Dulichgo
Quá vui mừng, Phìa Tạo bèn ra lệnh quây màn cho Nàng Huổi tắm. Không ngờ, khi nàng vừa ngâm mình xuống nước, ghẻ chóc tự nhiên tan biến hết, da dẻ trở lại hồng hào, xinh đẹp hơn xưa. Kể từ đó, dòng suối được gọi tên là Púng Hon (theo tiếng Thái cổ Púng là dòng, Hon là nước nóng).

< Ở nơi đầu nguồn, người Thái tự chế những chiếc cầu phao bằng thùng phuy để đi lại đôi bờ.

Như được tiếp thêm sinh lực từ dòng nước nóng trong lòng đất, con suối Púng Hon bốn mùa ăp ắp nước, người Thái đã khai khẩn trồng lúa nước, tạo nên một vùng Mường Lèo trù phú.

< Nhưng ít ai biết, nơi thượng nguồn con sông được người dân xứ Thanh gọi là sông mẹ lại có những huyền tích về mở đất dựng làng đẹp và nhân văn như ở Mường Lèo.

Chúng tôi lên cổng trời Pá Thoóng quan sát của một vùng đất Mường Lèo rộng lớn. Con suối Púng Hon chạy ngoằn nghèo như dải lụa mềm vắt ngang thung lũng Mường Lèo. Nhìn về hướng Nam, ngút tấm mắt là vùng mường Púng Bánh.

Con suối Púng Hon vượt qua thung dưới cổng trời Pá Thoóng trườn dài như con rắn khổng lồ qua đồi núi và thung lũng Púng Bánh ra đến huyện Sốp Cộp thì đã thành một con sông to lớn với danh xưng là sông Mã.

Theo Việt Cường, Thông Thiện (Vietnam.vnanet.vn)
Du lịch, GO!