Chủ Nhật, 7 tháng 6, 2015

Tìm về Vũng Chùa – Đảo Yến

Nằm giữa con đường Bắc – Nam, Quảng Bình là vùng đất có nhiều nét hấp dẫn cả về thiên nhiên lẫn văn hóa lịch sử. Gần hai năm nay, miền đất này càng thu hút khách bốn phương khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã về an nghỉ bên bờ biển Vũng Chùa - một thắng cảnh tuyệt đẹp chỉ cách đèo Ngang hơn 10km.

Với người dân Quảng Bình, cái tên Vũng Chùa luôn đi kèm với Đảo Yến, hòn đảo nhỏ cách bờ chỉ một cây số như bức bình phong che chắn gió bão. Còn gọi là Vũng Chùa bởi vì vùng biển này quanh năm yên bình và hàng trăm năm trước có một ngôi chùa linh thiêng nhưng nay chỉ còn lại phần nền.

< Con đường dẫn vào biển Vũng Chùa.

Dù chỉ cách quốc lộ 1A vài cây số nhưng vùng biển nơi Đại tướng an nghỉ từ xưa tới nay thưa thớt dân cư, còn ngoài Đảo Yến chỉ có những đàn chim yến tìm về làm tổ.
Dulichgo
Vùng vịnh nước xanh ngăn ngắt, sóng vỗ êm đềm này từ xưa đã được biết tới như chốn địa linh với thế núi hùng vĩ vươn ra tới biển. Đó là núi Thọ nối liền núi Sú tiếp nối mũi Rồng tạo thành một cánh cung vững chãi đâm ra Biển Đông, che chắn gió đông bắc; dưới chân là bãi biển cát trắng vàng trải dài tít tắp, cây cối xanh tươi.

Con đường dẫn từ quốc lộ vào đây đã hoàn thành để du khách có thể ngắm tháp chuông, khu nhà lưu niệm và cánh rừng thông. Đứng ở gác chuông phóng tầm mắt ra xa, du khách được nhìn ngắm cảnh quan tuyệt vời, nơi trời, biển và núi giao hòa giữa màu xanh trong bất tận.

Vì là điểm du lịch khá mới mẻ nên Vũng Chùa còn khá hoang sơ, nước biển sạch tinh, bãi cát dài mượt mà. Đây cũng là nơi nhiều tàu thuyền đánh cá cập bến mang về hải sản tươi ngon.

< Đảo Yến nhìn từ trên thuyền.

Xưa kia, Vũng Chùa nổi tiếng với những sản vật dùng để cung tiến triều đình. Theo sách Đại Nam nhất thống chí, đặc sản nơi đây ngoài yến sào, sò huyết, tôm hùm còn có loài “cửu khổng quyết minh” hay còn gọi là bào ngư, là những sản vật thường mang đi cung tiến triều đình.
Dulichgo
Vùng đất này được người dân nơi đây coi là linh thiêng, bởi tương truyền năm xưa vua Lê Thánh Tông xuất thủy quân đánh Chiêm Thành đã dừng lại nơi đây lập đàn thần linh phù hộ. Khi chiến thắng trở về, nhà vua về đây lập đàn tạ ơn đất trời.

Du khách thuê thuyền đi từ Vũng Chùa ra Đảo Yến chỉ mất hơn 20 phút. Giữa đại dương bao la, Đảo Yến nổi lên như viên ngọc xanh chưa mài giũa. Vẻ đẹp thơ mộng, nguyên sơ đến từ bờ cát, rặng phi lao ven biển và cánh chim yến chao liệng trên bầu trời.

Mặt nhìn vào đất liền của Đảo Yến là những bãi cát chạy dài và một triền núi thấp. Mặt hướng ra Biển Đông có nhiều bãi đá hùng vĩ, nhờ sóng biển tạo nên nhiều hình thù thú vị khác nhau.

Tuy động, thực vật trên đảo không quá phong phú và đa dạng nhưng lại rất hấp dẫn khi được chim yến chọn làm nơi cư ngụ. Du khách có thể tận mắt chiêm ngưỡng từng đàn chim yến ríu rít nhảy múa trên đỉnh đầu. Mùa chim yến làm tổ, nơi đây còn vang vọng tiếng hót líu lo như gọi bạn. Trên đảo không có dân ở, chỉ có vài công nhân từ Nha Trang ra đây dựng trại để khai thác yến.

Theo Trần Quyên (Doanh Nhân Sàigòn)
Du lịch, GO!

Bị bỏ rơi, Hòn Phụ Tử vắng tanh

(NLĐO) - Từng là niềm tự hào của người dân Kiên Giang nói riêng và ngành du lịch cả nước nói chung, nhưng nay, điểm du lịch Hòn Phụ Tử trở nên vắng tanh, nhếch nhác kể từ khi sự cố “hòn phụ” bị gãy đổ xuống biển vào năm 2006.

< Hòn Phụ Tử trước khi bị gãy đổ "hòn phụ".

Trước đây, mỗi khi đặt chân đến vùng đất Hà Tiên, du khách không thể bỏ qua điểm đến “Hòn Phụ Tử” (xã Bình An, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang) bởi vẻ đẹp non nước hữu tình của cảnh quan nơi đây.

< Khu du lịch Hòn Phụ Tử từng là điểm đến lý tưởng đối với du khách trong và ngoài nước.

Chuyện kể rằng, xưa kia, mực nước biển tại Chùa Hang (nằm cạnh Hòn Phụ Tử) cao hơn bây giờ. Trong hang có một con thủy quái hay làm đắm thuyền bè để ăn thịt ngư dân. Hay tin dữ, 2 cha con hành nghề đạo sĩ đã đến đây để cứu giúp dân lành.

< 9 năm sau khi bị gãy đổ "hòn phụ", Hòn Phụ Tử vẫn chưa được phục hồi.

Sau nhiều lần tính kế giết thủy quái, người cha chợt nhận ra rằng, chỉ còn cách hy sinh bản thân mình thì mới mong cứu giúp dân lành thoát khỏi cảnh chết chóc, đau thương. Thế là người cha lấy thuốc độc từ cây rừng tẩm vào cơ thể mình, sau đó nằm sát mép biển để dụ con ác thú.

< Bãi biển vắng tanh, nhếch nhác.

Đang trong cơn đói, con thủy quái tưởng mồi ngon nên liền nhào ra cắn đứt đầu người cha rồi giãy chết vì trúng độc. Thấy cha nằm chết cạnh con thủy quái, người con gào khóc thảm thiết và ôm lấy phần thi thể không còn nguyên vẹn của cha mình. Nào ngờ, thuốc độc từ người cha đã ngấm vào cơ thể bé bỏng của đứa con lúc nào không biết, khiến người con cũng ngã quỵ vì trúng độc.

< Người ăn xin ngồi đầy ở lối vào điểm du lịch Hòn Phụ Tử.
Dulichgo
Dân lành chứng kiển cảnh tượng này đã khóc thương suốt nhiều ngày liền. Sau đó, tại nơi 2 cha con nằm chết đã xuất hiện 2 hòn đá lớn và nhỏ. Hòn to tựa dáng người cha, còn hòn nhỏ tựa dáng người con. Tên gọi “Hòn Phụ Tử” ra đời từ sự tích ấy.

< Du khách thuê bạt ngồi la liệt trên lối đi đến bến tàu tham quan Hòn Phụ Tử.

Ở vùng biển Kiên Giang có rất nhiều hòn đảo lớn nhỏ, tuy nhiên, Hòn Phụ Tử vẫn được du khách trong và ngoài nước yêu thích. Năm 1989, khu di tích thắng cảnh Hòn Chong (bao gồm cả Hòn Phụ Tử) được Bộ Văn hóa- Thông tin công nhận là danh lam thắng cảnh quốc gia.

< Ăn uống xong, du khách vứt rác và thức ăn thừa ngay tại bãi tắm.

Hình dáng Hòn Phụ Tử gồm hai khối đá dính liền nhau đứng trên một bệ đá có chiều cao khoảng 5 m so với mặt biển. Trong đó, “hòn phụ” cao khoảng 33,6 m và “hòn tử” cao khoảng 30 m.

< Tình trạng "chặt, chém" khiến hàng quán tại đây ế ẩm.
Dulichgo
Từ lâu, Hòn Phụ Tử trở thành điểm thu hút du khách đứng đầu của Kiên Giang. Nhiều nhà hàng, khách sạn xuất hiện tại đây dày đặc để phục vụ nhu cầu vui chơi, ăn uống và nghỉ ngơi cho du khách. Tuy nhiên, sự cố thiên nhiên xảy ra vào ngày 9-8-2006 đã khiến cho “hòn phụ” nặng khoảng 1.000 tấn bị gãy đổ xuống biển, chỉ còn trơ lại “hòn tử” nằm chơ vơ giữa biển khơi.

< Gian hàng bán quần áo lưu niệm vắng tanh.

Sau khi xảy ra sự cố, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang và Cục Di sản (thuộc Bộ Văn hóa- Thông tin) cùng nhiều nhà nghiên cứu khoa học đã tán thành việc phục hồi lại Hòn Phụ Tử để không làm đánh mất đi hình ảnh được xem là biểu tượng du lịch của tỉnh Kiên Giang. Ngoài ra, một nghệ nhân ở Nha Trang cũng muốn góp sức vào việc phục hồi danh lam thắng cảnh này. Thế nhưng, việc phục hồi đã trở vào lãng quên.

< Khách sạn thay phiên nhau đóng cửa vì du khách đến Hòn Phụ Tử ngày càng ít.

Cuối năm 2009, Công ty CP Du lịch Kiên Giang xin chủ trương được đầu tư vào khu du lịch này nhưng sau đó lại không thực hiện nên đầu năm 2014, UBND tỉnh thu hồi và giao lại cho huyện Kiên Lương quản lý. Tuy nhiên, do thời gian dài không đầu tư, quản lý nên nhiều hộ dân vô tư chiếm mặt bằng rồi che chắn, mở hàng quán, dẫn đến ô nhiễm, nhếch nhác.

< Chùa Hang cũng thưa vắng khách hành hương.
Dulichgo
Theo các hộ kinh doanh tại đây cho biết, ngày thường nơi đây vắng lạnh, chỉ có vài đoàn khách đến đây vào những ngày cuối tuần; dịp lễ, tết có khá hơn nhưng vẫn không thể sánh bằng thời “vàng kim” trước kia. Do không quản lý chặt chẽ nên các hộ mua bán tiếp tục lấn chiếm lối đi và sẵn sàng cho du khách thuê bạt ngồi ăn nhậu, vứt bỏ thức ăn ngay tại chỗ. Dù vắng khách nhưng ăn xin vẫn ngồi la liệt tại đây. Ngoài ra, tình trạng chặt chém du khách vẫn thường xuyên diễn ra khiến du khách tỏ ra ngán ngẩm mỗi khi đặt chân đến đây.

Do ngày càng vắng lặng nên hệ thống nhà hàng, khách sạn tại đây đã không còn, Chùa Hang cũng thưa vắng khách hành hương. Du khách muốn ngủ lại qua đêm phải chạy về thị xã Hà Tiên hoặc thị trấn Kiên Lương.

Theo Công Tuấn (Người Lao Động)
Du lịch, GO!

Thứ Bảy, 6 tháng 6, 2015

Ngỡ ngàng vẻ đẹp đảo Nam Du

(NLĐO) - Sở hữu vẻ đẹp hoang sơ, lãng mạn với biển xanh, cát trắng, những rạn san hô lung linh, những đàn cá màu huyền ảo và cả những rặng dừa nghiêng mình soi bóng, quần đảo Nam Du- một vịnh Hạ Long thu nhỏ giữa lòng biển khơi phương Nam- hứa hẹn với du khách những trải nghiệm, khám phá thú vị.

< Tàu cao tốc ra đảo Nam Du.

Nam Du là một quần đảo gồm 21 đảo lớn nhỏ, cách trung tâm TP Rạch Giá (Kiên Giang) 83 km, nằm ở phía Đông Nam của đảo Phú Quốc. Theo nhiều tư liệu, hiện chưa rõ tên gọi Nam Du xuất phát từ đâu nhưng có nguồn cho rằng có từ thời vua Gia Long, trong khi nguồn khác khẳng định Nam Du xuất phát từ tên “Nam Dự” (nghĩa là đảo phía Nam) do người Pháp ghi theo cách gọi của các cụ đồ.

< Nhìn từ xa, đảo Nam Du trông rất huyền ảo.

Theo người dân địa phương, Nam Du trước kia vốn là một quần đảo hoang sơ, ít người lui tới, chỉ có những cư dân trên đảo sống quây quần bên nhau. Vài năm trở lại đây, quần đảo này dần dần được khai phá và bắt đầu có khách tham quan.

< Chiều xuống, khung cảnh ở Nam Du rất yên bình.

Hiện tại, để đến Nam Du, phương tiện duy nhất du khách có thể sử dụng được là tàu. Tùy theo điều kiện thời gian, du khách có thể đến bến tàu Rạch Giá mua vé tàu cao tốc hoặc tàu thường. Mỗi ngày có 2 chuyến tàu cao tốc ra vô Nam Du lúc 8 giờ 15 phút và 12 giờ 15 phút, thời gian di chuyển 2 giờ, giá vé 210.000 đồng/ lượt. Còn tàu thường, giá vé 100.000 đồng/lượt nhưng mất đến 5 giờ di chuyển.

< Một trong những điểm tham quan trên đảo.

Sau khi lên tàu và thẳng tiếng ra Nam Du, đầu tiên, du khách nên ghé Hòn Lớn. Tại đây hiện tại có một số nhà nghỉ. Nếu nhà nghỉ hết phòng, du khách có thể liên hệ với người dân để tìm chỗ nghỉ. Giá phòng nghỉ ở đây dao động từ 200.000 đồng đến 350.000 đồng/phòng/đêm. Còn nghỉ ở nhà dân chỉ từ 70.000 đồng - 100.000 đồng/đêm.

Bỏ ra 100.000 đồng – 120.000 đồng thuê xe máy, du khách tha hồ vi vu trên đảo mà không cần phải thế chấp bất kỳ giấy tờ gì. Ngoài ra, cũng như các đảo hoang sơ khác, hệ thống điện và nước ngọt trên đảo được sử dụng rất hạn chế, du khách nên thích nghi với một số khó khăn khi đến đây.

< Du khách thỏa thích dưới dòng nước biển trong xanh.

Ở Nam Du, du khách có thể ghé nhiều bãi khác nhau để tắm biển. Tuy nhiên, đẹp và lãng mạn nhất phải kể đến là bãi Mến.

Với bờ cát trắng phẳng dài chen lẫn với những ghềnh đá và những hàng dừa nghiêng mình soi bóng, du khách vừa có thể thỏa thích vẫy vùng dưới làn nước xanh trong vừa có thể tản bộ ngắm cảnh, chụp hình, cắm trại đêm và mở tiệc nướng.

< Biển xanh, cát trắng và những rặng dừa nghiêng mình soi bóng.

Ngoài ra, không thể không kể đến hòn Dầu và hòn Mấu. Hòn Dầu tương đối lớn so với các đảo khác, rừng nguyên sinh chiếm khoảng 90% diện tích. Gần bờ còn có rất nhiều rặng san hô đang phát triển, du khách có thể dùng kính lặn biển để ngắm san hô và những đàn cá đủ màu tung tăng.

< Đường đi vòng quanh đảo Nam Du.

Hòn Mấu có 5 bãi biển xung quanh, trong đó có 2 bãi cát trắng mịn hiếm nơi nào có được là bãi Chướng và bãi Nam; còn lại là 3 bãi đá: bãi Bắc, bãi Ðá Ðen và bãi Ðá Trắng. Bãi Nam là mặt tiền của hòn.

< Hải sản ở Nam Du có giá rất "mềm".

Thưởng thức các loại hải sản trên đảo cũng là một thú vị. Mực, tôm, ghẹ…ở đây rất tươi và giá cả cũng rất “mềm”. Nếu ở nhà dân, du khách tha hồ ra bến cảng để lựa chọn hải sản và chỉ việc đem về thuê chủ nhà chế biến. Nếu không, du khách cũng có thể thưởng thức tại các quán ăn trên biển. Các hải sản ngon ở đây phải kể đến như sò điệp nướng mỡ hành, cháo nhum, mực trứng hấp gừng, canh chua cá bóp…

< Mưu sinh trên đảo.

Không có những resort xa hoa lộng lẫy, không có những món ăn hải sản bị hét giá trên trời nên Nam Du trở nên thân thiện. Hơn nữa, sự nhiệt tình, hiếu khách của những con người mộc mạc trên đảo khiến cho du khách đến Nam Du cảm thấy gần gũi, thoải mái hơn.

Theo Dương Cầm (Người Lao Động)
Du lịch, GO!

Hướng dẫn phượt quần đảo Nam Du
Đằm cùng biển đảo Nam Du
Vẻ đẹp hoang sơ của quần đảo Nam Du
Quần đảo Nam Du
...

Biêng biếc Phượng Tím

(TCDL) - Đi dưới tiết trời se se lạnh hòa trong nắng ủ mật của cao nguyên xanh Đà Lạt, lòng người chợt thấy bâng khuâng bởi màu tím biếc của hoa phượng bịn rịn khoe sắc. Cảnh sắc Đà Lạt dịu dàng như cô gái đang yêu trước màu tím biêng biếc ấy

Tháng Ba, mùa phượng tím

Đà Lạt hiện hữu hàng trăm ngàn loài hoa, giống hoa quý, hoa đẹp của hầu hết các châu lục trên thế giới "bén duyên" đất này. Suốt bốn mùa, trên "thành phố ngàn hoa" này, hoa tươi đua nhau nở thắm góp phần tô điểm đời sống tinh thần của người dân phố núi thêm thi vị. Song, với cư dân bản địa, ngoài bốn mùa hoa ấy, có những loài hoa được mệnh danh "hoa báo mùa"; hễ khi nào thấy một loài hoa đua nhau nở rộ, khoe sắc, người ta biết Đà Lạt đang vào mùa gì trong năm...

Ví như, khi thấy trên các sườn đồi, dốc vắng... vàng rực hoa Dã Quỳ, người ta biết mùa Đông tàn và mùa nắng Tây Nguyên đã về. Hoặc khi thấy Mai Anh Đào chấp chới sắc hồng phai dưới nắng, người ta biết ngay rằng mùa Xuân đang đến.

Rồi nữa, khi trên các mái phố, hiên nhà, trên những con đường quanh co sạch, đẹp... biêng biếc sắc hoa Phượng tím, cư dân bản địa nhận biết Đà Lạt đã sang xuân! Thực ra, phượng tím bắt đầu ươm nụ từ cuối mùa Đông năm trước để rồi lặng lẽ đơm hoa, khoe sắc cho đến hết mùa Xuân năm sau. Đặc biệt, tháng Ba là thời điểm hoa phượng tím nỏ rộ xao xuyến lòng ngưởi; đây cũng là thời điểm đất trời Đà Lạt đẹp nhất trong năm - mùa nắng cao nguyên, mùa du lịch Đà Lạt!
Dulichgo
Những tưởng, du khách khi đặt chân đến Đà Lạt-thiên đường hoa - sẽ bị hàng trăm ngàn loài hoa đẹp, quý phái "choáng ngợp" thì không còn quan tâm gì đến một loài hoa tím buồn khiêm tốn nép mình bên góc phố chênh chao hay lặng thầm đứng bên những con đường dốc núi quanh co; nhưng thực ra, không phải vậy! Tình yêu của con người dành cho từng loài hoa cũng tùy thuộc vào sở thích, tình yêu và niềm đam mê "cá tính" của từng giới, từng người. Vì sao những loài hoa dại như Forget me not (Lưu Ly), Thạch Thảo, Dã Quỳ, Loa Kèn, Tường Vi... thường được giới học sinh, sinh viên, văn nghệ sĩ yêu thích và dành nhiều tình cảm nhất?

Tôi có mấy người bạn ngày xưa học cùng Khoa Ngữ văn của trường Đại học Đà Lạt, giờ công tác trong các ngành nghề khác nhau: nhà báo, nhà văn, nhà thơ, nhà giáo ở các tỉnh, thành phố: Hồ Chí Minh, Binh Định, Phú Yên, Ninh Thuận... đều ao ước sẽ có một ngày về lại Đà Lạt đúng vào mùa hoa Dã Quỳ, hoặc mùa hoa Phượng tím nở, để được thỏa thích ngắm hoa và hồi ức về một khoảng thời gian đẹp nhất đời người đã đi qua. Có người (đọc báo) hay tin cây Phượng tím trước nhà hàng Thủy Tạ bị gió bật gốc, người ta phải chặt đi, mà tiếc thương như đã mất một người thân!
Dulichgo
Mùa xuân năm trước, tôi phải còng lưng suốt mấy ngày trên "con ngựa sắt" để đưa anh bạn thân đi khắpcác ngõ ngách của Đà Lạt để ngắm và chụp hình những cây Phượng tím đang nở hoa. Có thể với sắc màu tím biếc của loài hoa này đã gợi cho con người ta nhớ về những kỷ niệm vui buồn, những hồi ức tươi nguyên...

"Từ đâu em tới đất này"

Mỗi loài hoa, giống hoa (bắt luận có nguồn gốc từ đâu) một khi đã "bén duyên" trên vùng đất sương mờ Đà Lạt dường như đều gắn với những huyền thoại, hay những câu chuyện tình lãng mạn và khá thi vị.Thật thiếu sót nếu chúng ta yêu hoa phượng tím Đà Lạt mà không biết loài hoa này có nguồn gốc từ đâu, hay “từ đâu em tới đất này"!

Theo tài liệu, Phượng tím có tên khoa học là Jacaranda Acutifolia, cánh hoa có màu lam tím dịu dàng; Phượng tím có nguồn gốc từ Nam Mỹ, sau đó được mang sang trồng ở một số nưốc châu Âu; thường được trồng để làm đẹp đường phố, công viên.

Năm 1962, Kỹ sư nông học Lương Văn Sáu (sinh năm 1942), tốt nghiệp Truờng"Canh nông ỏ Versailles (Pháp) thấy hoa đẹp và lạ nên ông đã mang hạt giống loài hoa này về Đà Lạt. Ông là người đầu tiên đã gieo ươm được một số cây con Phượng tím (Jacaranda) và trồng trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (trước chợ Đà Lạt ngày nay). Nhưng loài hoa này rất khó trồng nên chỉ có một cây duy nhất sống sót và đó là cây Phượng tím đầu tiên của Đà Lạt.
Dulichgo
Phượng tím ra hoa, nhưng không đậu quả, nên kỹ sư Sáu phải chiết một số cành từ cây Phượng tím độc nhất này để trồng trước nhà hàng Thủy Tạ và tại Vườn hoa thành phố nhưng cũng chỉ có một cây ở Thủy Tạ sống và có hoa. Phượng tím có lá dạng lá kép như Phượng vĩ của Việt Nam; hoa cũng mọc thành chùm nhưng dáng hoa không giống Phượng vĩ mà có hình ống phủ lông tơ, dài từ 4-5cm. Bởi có nét khá giống Phượng vĩ nên tên hoa được "Việt hóa" thành Phượng tím từ đó cho đến tận bây giờ.

Bằng tình yêu loài "hoa lạ" mà mình đã cất công mang về ươm giống, bén rễ trên vùng đất quê hương, người "cha đầu tiên" này đã lặng lẽ hơn chục năm nghiên cứu, tìm tòi đặc tính sinh trưởng của Phượng tím để nhân giống. Cuối cùng, vào năm 1994, ông đã tìm ra một loại hóa chất (từ Pháp) kích thích việc mọc rễ trong quá trình chiết cành nhân giống... Phượng tím; đồng thời đúc kết kinh nghiệm chăm sóc cây con để tránh một số bệnh do ký sinh nhằm nâng cao tỷ lệ cây sống. Sau đó, một số cán bộ Vườn hoa thành phố và Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt cũng đã tham gia chiết, ghép được vài trăm cây Phượng tím trồng rộng rãi.

Đến những năm cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, một số cơ quan nghiên cứu khoa học ở Đà Lạt nhân giống thành công loài Phượng tím bằng phương pháp nhân giống vô tính. Từ đó, Phượng tím được trồng ra nhiều nơi, chủ yếu trên địa bàn TP. Đà Lạt, để bây giờ Đà Lạt có thêm một loài hoa đẹp lưu luyến du khách mỗi khi tháng Ba về trên thành phố mờ sương.

Theo Thanh Dương Hồng (Tạp Chí Du Lịch)
Du lịch, GO!

Kinh nghiệm phượt ngắm lúa Pù Luông

(VNE) - Vào mùa lúa, Pù Luông "khoác" lên mình màu áo xanh mướt khiến nhiều người mong ngóng lên đường để ngắm nhìn vẻ đẹp bình yên giữa núi rừng.

Pù Luông trong tiếng Thái là đỉnh núi cao nhất. Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông thuộc hai huyện Bá Thước và Quan Hóa, Thanh Hóa có diện tích hơn 17.600 ha cùng hệ động thực vật phong phú. Với vẻ đẹp hoang sơ của rừng nhiệt đới, nơi đây hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Thời gian
Cuối tháng 5, đầu tháng 6, ruộng bậc thang ở đây bước vào mùa lúa mới. Cả thung lũng chìm trong màu xanh của lúa, với những nếp nhà nép mình dưới chân núi hay rặng cau thẳng tắp trước lối vào.

Di chuyển

Từ Hà Nội, bạn đi theo hướng Xuân Mai, Lương Sơn, Hòa Bình tới Mai Châu. Dọc đường, bạn nên dừng chân tại đèo Thung Khe hay Đá Trắng. Đây là nơi thử thách nhiều tay lái trong những ngày sương mù bao trùm. Ngoài ra, trên đỉnh đèo có nhiều hàng bán ngô khoai nướng, trứng luộc để tiếp sức cho lữ khách sau chặng đường dài.
Dulichgo
Sau khi nghỉ chân, bạn tiếp tục đi theo hướng quốc lộ 15C tới Co Lương, Đông Điểng, rồi khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông. Tại đây, bạn hỏi đường xuống Kho Mường.

Ở Thanh Hóa, bạn ngược lên Tây Bắc, men theo đường mòn Hồ Chí Minh sau đó rẽ phải tại thị trấn Cẩm Thủy đến thị trấn Cành Nàng. Tiếp tục, bạn rẽ sang đường 15C sau đó đi khoảng 10 km nữa là tới.

Lưu trú

Tùy hành trình, bạn tìm điểm dừng chân phù hợp. Nếu muốn nghỉ lại Mai Châu, bạn có thể tới các nhà sàn sinh thái của người Thái, Mường trong bản Lác, Com Poọng. Trường hợp đi thẳng, bạn tới vùng lõi Pù Luông, nghỉ ở các bản Đông Điểng, Kho Mường, Nủa, Cao Hoong hay Kịt. Chi phí trung bình ở cả hai điểm đều khoảng 50.000 đồng một người.

Ăn uống

Người Thái ở Pù Luông có các món nướng đặc trưng như gà, vịt, thịt lợn cùng măng chua, đắng... Đây là những món giúp bạn thưởng thức được trọn vẹn hương vị của núi rừng. Một số cái tên khác gợi ý là canh rau ngót rừng, cơm lam...
Dulichgo
Hành trình ngắm lúa

Để quan sát trọn vẹn Pù Luông trong mùa lúa, bạn có thể đi theo các hướng sau:

Nếu ở bản Hang, bạn di chuyển đến Kho Mường. Nếu ở bản Hin, bạn tới bản Son, Bá, Mười. Đây là nơi bạn có thể ngắm ruộng bậc thang lúa trải dài.

Một hành trình khác dành cho những ai muốn thử thách bản thân sau khi kết thúc cung đường ngắm lúa là leo núi Pù Luông. Với độ cao 1.700m, bạn sẽ đi xuyên rừng để cắm trại trên đỉnh. Ngày hôm sau, bạn có thể dậy sớm để ngắm bình minh giữa không gian yên bình.

Hoạt động ngắm thác xứ Thanh

Trên đường trở về Hà Nội, bạn nên ghé thăm một trong những thác nước đẹp nhất xứ Thanh là Mây tại Thạch Lâm, Thạch Thành.

Thác Mây nằm trên đường mòn Hồ Chí Minh, khu vực gần vườn quốc gia Cúc Phương. Dòng thác này đổ xuống từ đỉnh núi Thạch Lâm, tại độ cao 100 m. Thác có 9 bậc gối lên nhau tạo những con nước mềm mại. Đường vào đây không có biển nên bạn phải sử dụng phần mềm google maps hoặc hỏi người dân.
Dulichgo
Đến nơi, bạn hãy tranh thủ thời gian để ngụp lặn, nhào lộn, nhảy thác. Hay đơn giản hơn, bạn chỉ cần ngồi yên tĩnh để tận hưởng không khí trong lành hay lắng nghe tiếng động của nước xả xuống trước khi trở về.

Lưu ý:

- Bạn nên đổ xăng trước khi vào Pù Luông.
- Mang theo các loại thuốc chống côn trùng.
- Chuẩn bị thêm áo quần nếu có ý định tắm thác.
- Nên theo dõi thời tiết trước chuyến đi. Không nên chọn những ngày mưa vì đường lầy lội, khó di chuyển.

Theo Minh Nghĩa Bùi (Vnexpress)
Du lịch, GO!

Thứ Sáu, 5 tháng 6, 2015

Du lịch Trường Sa và tình yêu Tổ quốc

(TTO) - đó không có những resort sang trọng bên bờ cát tinh khôi với những hàng dừa nghiêng bóng đùa cùng gió biển như những hình ảnh ta vẫn thường thấy tiếp thị những tour du lịch biển đảo. Nhưng thông tin về tour du lịch ra với Trường Sa trong mấy ngày qua đã khiến nhiều người Việt háo hức chờ mong.

Háo hức cũng là điều đương nhiên vì từ rất lâu rồi, trong mỗi người dân nước Việt, Trường Sa không chỉ là một địa danh như bao địa danh khác, không phải là những hòn đảo với cát với đá với cỏ cây như bao nhiêu hòn đảo khác.
Giữa thăm thẳm trùng dương tít tắp, những hòn đảo trên quần đảo này đã là một phần máu thịt trĩu nặng những yêu thương và muôn trùng khắc khoải.

Khắc khoải, bởi Trường Sa là quê hương xứ sở của mình nhưng để ra được đó sao quá khó! Không ít lần, những bạn bè của tôi, những dân du lịch thứ thiệt đã từng đi cả trăm quốc gia, dấu chân của họ in lên triền Himalaya đến mũi Hảo Vọng, từng sống qua những đêm trắng ở Saint Petersburg hay cưỡi lạc đà giữa sa mạc Sahara... nhưng với họ Trường Sa vẫn là một điểm đến đang còn nằm trong những giấc mơ.
Dulichgo
Tôi không quên cái đêm chia tay khép lại sau chuyến đi từ một quốc gia khá xa xôi trở về, một người bạn trong nhóm nói: Có cách gì để bọn mình có thể theo một chuyến tàu ra với Trường Sa không?

Người bạn tôi đã nuôi ý định xin xuống thuyền ngư dân, đi ra ngư trường cùng họ để may ra có thể lên được một hòn đảo nào đó của ta giữa Trường Sa. Nhưng cách đi như vậy lại không đúng với quy định. Tôi bảo bạn ráng chờ, sẽ có ngày “tour Trường Sa” tái khởi động!

Nói là “tái khởi động” bởi từ năm 2004, chuyến du lịch ra Trường Sa từng được tổ chức với 100 du khách, điểm đến chỉ gồm hai nơi: đảo Trường Sa Lớn, Đá Tây và có ghé Côn Đảo. Sau chuyến đi ấy, tour tạm ngưng vì nhiều lý do, nhưng ngần ấy cũng đủ cho nhiều du khách tham gia chuyến đi sung sướng tự hào đến tận hôm nay!

Và bây giờ, sau 11 năm tròn, cuối tháng 6 này, tour du lịch ra với Trường Sa khởi động trở lại. Mấy ngày qua, dưới những thông tin về tour du lịch này trên các trang báo điện tử, mọi người xôn xao hỏi nhau: Khi nào sẽ đi? Đăng ký như thế nào? Phương tiện thế nào? Chi phí ra sao?
Đã đến lúc chúng ta nên coi câu chuyện du lịch ra Trường Sa cũng như tour ra với các đảo Thổ Chu, Nam Du, Phú Quý, Lý Sơn, Cồn Cỏ, Bạch Long Vĩ...
Dulichgo
Khác chăng là chặng đường ra với Trường Sa có xa xôi hơn, điều kiện phục vụ du khách có thể có khó khăn hơn, nhưng ra đến đó rồi thì câu chuyện hạ tầng phục vụ du khách sẽ không phải là điều du khách lưu tâm nữa. Bởi trên hải trình đến với Trường Sa, du khách sẽ có những trải nghiệm rất riêng mà không một tour du lịch nào có được.

Năm trước, một doanh nhân trong chuyến ra Trường Sa đã nói rằng: “Khi ở đất liền, mỗi khi doanh nghiệp làm nghĩa vụ thuế cũng có ít nhiều tâm tư, nhưng ra đây mới biết rằng những khoản đóng góp của chúng tôi là quá nhỏ”.

Một sinh viên tham gia chuyến hành trình Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương lại nói rằng: “Nghĩ là ra đây để động viên những người lính, người dân trên đảo, nhưng ra đây rồi mới biết chính những người dân, người lính trên đảo đã động viên chúng tôi...”.

Rất nhiều xúc cảm chân thành như thế mà nếu không đặt chân lên Trường Sa sẽ khó mà cảm nhận được. Vì thế, dễ hiểu rằng tour du lịch Trường Sa sẽ được đông đảo người dân mong đợi. Đi du lịch Trường Sa để góp phần khẳng định chủ quyền..., nhưng có lẽ ra Trường Sa còn vì một chân lý vô cùng giản dị: đi vì yêu và đi để thêm yêu Tổ quốc!

Theo Lê Đức Dục (Báo Tuổi Trẻ)
Du lịch, GO!

Chiêm ngưỡng những ngọn thác Tây Nguyên

“Choáng ngợp”, “thật hùng vĩ”… là cảm giác của du khách khi đứng trước những ngọn thác ở Tây Nguyên. Dòng chảy sông Mê Công khi rẽ vào Tây Nguyên len lỏi qua khe núi, ghềnh đá, thành những ngọn thác hùng vĩ giữa đại ngàn. Và gắn liền với những ngọn thác ấy là những câu chuyện tình tuyệt đẹp…

Đến Tây Nguyên mà không đi chơi thác quả là uổng phí. Không giống những ngọn thác khác, thác ở Tây Nguyên chảy ầm ầm và dữ dội hệt như lòng người cuộn trào, tuôn ra tất cả cảm xúc dồn nén. Mỗi con thác dường như đều gắn với truyền thuyết về chuyện tình nồng thắm, bi thương của các đôi trai gái bị chia cách. Tiếng thác đổ cũng là tiếng lòng, tiếng khóc thương cho chuyện tình buồn của họ.

< Thác Dray Nur.

Ngoài những thác nổi tiếng như Prenn, Đatanla, Pongour, Đam Bri hay Liêng-rơ-voa… ở Lâm Đồng, du khách đặc biệt nhắc tên cụm thác ở vùng ranh giới giữa Đắk Nông và Đắk Lắk là Trinh Nữ, Gia Long, Dray Nur và Dray Sap. Đường đến cụm thác này khá thuận tiện, chỉ cách thành phố Buôn Mê Thuột khoảng 30- 40 cây số.
Dulichgo
Phong cảnh hai bên đường đẹp, trùng trùng điệp điệp núi non xen với các loại cây màu, lấp ló những nếp nhà của đồng bào dân tộc. Nếu chịu khám phá, du khách mất khoảng hai ngày để chinh phục và chiêm ngưỡng từng ngóc ngách của cụm thác này. Nếu không có thời gian, cụm 4 ngọn thác này có thể đi trong một ngày.

< Thác Bảo Đại (Jráiblian).

Tây Nguyên mùa này nóng và khô hạn. Cùng với thủy điện chắn dòng, sông Tây Nguyên cạn kiệt đi. Nhưng các ngọn thác vẫn ngày đêm ì ầm tuôn chảy. Đẹp nhất vẫn là cặp thác đôi Dray Nur (Đắk Lắk) và Dray Sap (Đắk Nông). Dòng sông hùng vĩ Serepok của cao nguyên chảy đến đây thì tách làm đôi. Tại hai nhánh sông lại có hai vực thẳm và hình thành hai dòng thác. Từ đặc điểm thác đôi, người dân bản địa gọi đó là thác vợ chồng. Thác lớn Dray Nur là thác vợ.

Thác nhỏ Dray Sap là thác chồng. Đó là do trong gia đình, phụ nữ là người giữ vai trò trụ cột. Hai đầu thác rộng hàng trăm mét, cao vài chục mét. Với địa hình có khoảng sụt chênh lệch cao, nước tuôn chảy mạnh mẽ tạo nên khung cảnh ngoạn mục. Điều kỳ lạ là sau khi tách đôi và hình thành hai thác này, phía hạ nguồn của thác, dòng Serepok hiệp lại thành một dòng và tiếp tục uốn mình qua những ngóc ngách của núi rừng.

< Thác Gia Long.

Và cũng từ đó, người dân bản địa tin vào truyền thuyết: hai dòng thác là hiện thân của cặp trai gái hai làng vốn có nhiều xung khắc nằm hai bên bờ Serepok. Mối tình của họ bị cấm cản. Cuối cùng cả hai phải tìm đến cái chết để mãi mãi bên nhau. Một đêm trăng, cả hai lén lút hẹn hò rồi cùng nắm tay nhảy xuống dòng Serepok cuồn cuộn nước. Chuyện tình xúc động đến tận trời. Thần Sấm tức giận gây ra sấm sét, cuồng phong dữ dội vào đêm ấy. Nơi hai người trầm mình sụt xuống và hình thành nên hai dòng thác tuôn chảy ngày đêm như hai dòng nước mắt không ngường tuôn rơi.

< Thác Dray Sáp hùng vĩ.
Dulichgo
Cũng theo người dân bản địa, vì trải qua mối tình đẹp mà ngang trái đó nên cặp đôi này hết lòng tác hợp cho những đôi trai gái yêu nhau. Vì thế, nhiều cặp uyên ương đã đến đây thề ước, chụp ảnh cưới với niềm tin hạnh phúc mãi mãi bên nhau.

Với địa hình dòng sông chảy qua núi ở phía thượng và hạ nguồn thác, mùa này du khách dễ dàng đi bộ băng ngang giữa hai bờ. Nước chảy quấn quýt dưới chân mát lạnh, xa xa là dòng chảy cuồn cuộn đổ xuống bên dưới. Riêng thác Dray Nur là nơi lý tưởng để du khách dành nhiều thời gian khám phá. Cạnh thác là một hồ nước sâu 5-7 mét vào mùa khô, xanh mênh mang.

< Thác Pongour.

Thác còn đặc biệt bởi phía sau làn nước đổ xuống có một hang động lớn. Người ta có thể đi vào phía trong của dòng nước đổ xuống từ bên này sang bên kia mà không bị ướt áo. Khi đứng từ bên trong hang động nhìn ra, những bức tường nước bao bọc phía trước, ánh sáng mờ ảo soi những tảng đá hình thù kỳ dị. Hấp dẫn nhất không chỉ là việc chiêm ngưỡng thác mà còn khám phá và thử thách bản thân dưới dòng nước chảy mạnh.

Theo Nguyễn Đức (Báo Cần Thơ)
Du lịch, GO!

Bãi biển Non Nước

Ngoài đỉnh núi Bà Nà làm say mê bao du khách, Đà Nẵng còn sở hữu những bãi biển hoang sơ, tuyệt đẹp như Nam Ô, Xuân Thiều và đặc biệt là dải bờ biển Non Nước.

Biển Non Nước - nơi từng được Tạp chí Forbes hàng đầu của Mỹ bình chọn là 1 trong 6 bãi biển đẹp nhất hành tinh, nằm kề danh thắng Ngũ Hành Sơn, cách trung tâm TP Đà Nẵng 8km về phía Đông Nam. Bãi biển Non Nước thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng.

Có hình dáng gần giống như một chiếc bát bao tròn lấy chân núi Ngũ Hành Sơn, bãi biển Non Nước nổi tiếng bởi vẻ đẹp và sự trong lành và sạch sẽ. Bãi cát trắng mịn kéo dài tới tận 5 km, độ dốc thoai thoải, nước trong xanh, lộng gió, chan hòa ánh nắng với khí hậu ấm áp trong mùa đông và hè về lại rất mát mẻ.
Dulichgo
Môi trường nơi đây bình yên đến mức lý tưởng, du khách đến thoải mái thả mình vào làn nước biển trong vắt hay tham gia những hoạt động giải trí trên biển quanh năm như: câu cá, lướt ván, bóng chuyền bãi biển. Và thưởng thức nhiều đặc sản biển tươi ngon như mực, tôm, cua, ốc… Ngồi trên những mô đá to, xung quanh hoàn toàn vắng vẻ lắng nghe những con sóng bạc đầu rì rào vỗ về có cảm giác như mình được hòa tan cùng thiên nhiên.

Để khám phá thiên nhiên kỳ thú của biển Non Nước du khách có thể để chân trần dạo bước bãi cát trắng mịn, hay đi sâu vào rừng phi lao xanh ngắt, hòa mình giữa cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, vùng biển bao la với những thắng tích và huyền thoại đậm chất nhân văn và lòng mến khách…

Khi thấy trong người thấm mệt bạn có thể dừng lại ở một lều nhỏ bất kỳ, hưởng cái thú câu cá và nhâm nhi hải sản cùng vài vại bia giữa non xanh nước biếc bên cạnh người thân hoặc bạn bè… Như vậy, bạn sẽ thấy lòng mình thanh thản và dường như mọi ưu tư, phiền muộn trong cuộc sống đã được sóng biển cuốn trôi…

Bãi biển Non Nước còn có nhiều đặc sản biển tươi ngon như mực, tôm, cua, ốc… để bạn thưởng thức; có các loài rong tảo quý hiếm như rong câu chỉ vàng, rong câu chân vịt có giá trị xuất khẩu cao.
Dulichgo
Từ biển Non Nước chỉ cần 5 phút đi bộ là có thể đến thăm và chiêm ngưỡng danh thắng Ngũ Hành Sơn với 5 ngọn Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ mà tự trong mình nó đã hàm chứa những vẻ kỳ bí dị thường.

Dưới chân núi Ngũ Hành có làng đá mỹ nghệ Non Nước nổi tiếng – một làng nghề truyền thống – một điểm du lịch ấn tượng của Đà Nẵng và khu vực. Ngoài ra, du khách có thể kết hợp làm một cuộc du thuyền trên sông Cổ Cò phóng tầm mắt chiêm ngưỡng non nước Ngũ Hành Sơn.

Điều thú vị ở đây mà các điểm du lịch khác khó có thể có được là sau những giờ leo trèo, lên xuống hàng trăm bậc cấp để thăm thú các hang động và chùa chiền, du khách chỉ cần bước ra mấy trăm mét là đến bãi biển cát trắng mịn, nước trong xanh, sóng êm như mời gọi chào đón đến với làn nước mặn, thư giãn gân cốt, đồng thời ngắm nhìn cảnh núi non, trời biển bao la.

Theo Bảo Anh (TTVN)
Du lịch, GO!