< Một căn nhà ven sông nơi Bến Sỏi.
Chuyến xe xuất hành đi viếng chùa ở núi Bà Đen lăn bánh từ 3g sáng. Đến ven núi là vừa hửng sáng, 5g. Vì đi sớm nên chưa đến 9g mọi người đã xuống núi tề tựu. Một người trên xe đề nghị: “Hay là ghé nhà ông bà Mười ở Bến Sỏi. Cũng gần đây. Mùa này lúa mới gặt xong, cá không nhiều nhưng vịt thì mập lắm, ăn lúa sót”.
< Khói đốt đồng xa.
Cả xe hồ hởi. Ông bà Mười là nông dân chính hiệu vùng biên giới Tây Ninh. Hai ông bà đã trên 70, đầy đủ cháu nội ngoại (thậm chí có tới cháu cố) nhưng vẫn “hai mình” ra một bến sông hoang vắng khu Bến Sỏi (xã Thành Long, huyện Châu Thành, Tây Ninh) xây nhà, mùa mưa làm cá, mùa nắng làm ruộng.
Trên xe có mấy người từng ra nhà ông bà Mười "sống thử" đời thôn dã. Mùa mưa thì nước ngập mênh mông, láng lung đầy rong và bông súng. Mùa nắng thì tùy theo tháng mà lúa xanh, lúa ngậm đồng, lúa chín... Cá, ốc bươu, chem chép, chuột đồng thì mùa nào thức nấy.
< Xe chở rơm trên đường lộ.
Dulichgo
Xe chạy qua khu vực cầu Bến Sỏi, nơi màu xanh lục bình phủ kín, rồi dừng lại ở một con lộ đất. Cả xe xuống đi bộ, mùa khô nên cứ băng ruộng hướng tới nhà ông bà Mười, căn nhà chòi nổi bật trên cánh đồng xa, chung quanh ruộng đã gặt xong lâu, trơ gốc rạ cháy vàng. Nhiều chỗ cháy đen do người nông dân đốt để dọn đất lấy tro bón ruộng.
Bà Mười đầu trần ra đón, dáng xấp sải, da nám đen - cái nắng cháy khô của vùng biên, tóc bạc lơ thơ búi lửng, nhưng nụ cười thì rạng rỡ.
< Nhóm "khách thành phố" băng đồng để đến nhà ông bà Mười.
“Vô ăn cháo vịt, cá thì lớp chiên lớp kho, nấu canh chua đọt lục bình. Cá đồng cá sông không à. Báo sớm nên sáng nay tui đi dặn cá liền. Ăn, nghỉ trưa rồi luộc tiếp ốc và nướng chem chép. Còn chuột, tại đám ruộng gần gặt lâu rồi nên không có chuột. Đám xa kia không biết có không”. Đám khách ồ lên: "Thôi ăn nhiêu đó cũng đủ ứ hự rồi. Với lại mấy đứa trẻ sợ, không biết ăn chuột”.
< Nhà ông bà Mười ở giữa đồng.
Căn nhà chòi của ông bà Mười rộng cỡ đôi ba chiếc chiếu. Mùa dông năm ngoái bị gió lật nóc nên năm nay ông Mười xin xã cho đổ bê tông phần chân, thêm mấy mạnh thường quân tài trợ mái, tuy tôn cũ nhưng còn chắc.
Dulichgo
Ông Mười cười khoe cái miệng móm: "Vô hết đi, ăn mặc tình phỉ sức nghen. Bả nấu hai nồi cơm, một nồi cháo, một nồi canh. Một chảo cá kho, một rổ cá chiên. Ăn không hết là hai thân già nầy "ngậm" hết đó”.
< Vịt đang ăn lục bình.
Mâm cơm dọn ra, gọi là mâm cho oai chứ cánh nam thì trải chiếu lai rai ngoài đám cây gần chỗ mấy cái kho nơi anh Mười để xuồng và dụng cụ làm cá. Phái nữ thì ăn ngay trong nhà, trên sàn. Cái sàn lót ván lộ khe, cứ ăn xong xả xương rau xuống mấy cái rãnh, bên dưới có đám gà tụ sẵn chờ ăn mót.
Đám con nít được ưu tiên cho ăn cơm hay cháo trước, cứ mỗi đứa một tô chạy tứ tung. Mùa ruộng cạn nên cũng chẳng chạy đâu xa ngoài mấy bóng cây. Chạy u một chút đã thấy đứa túm áo chạy về, trong áo là mấy quả trứng gà rồi khoe: "Gà đẻ nhiều lắm”. Thì ra đám gà của bà Mười nuôi thả, chúng ra ruộng ăn lúa rụng rồi đẻ luôn trong mấy góc rơm.
< Bò mẹ và bê con.
"Ăn xong, đi tìm lượm trứng rồi thả vô mấy cái ổ ông Mười dọn sẵn để mấy con gà mái leo lên ấp cho ra gà con", mọi người hướng dẫn. Chỉ chờ có thế, tụi nhỏ ùa ra ruộng tung tăng, có đứa la to: “Vui còn hơn tìm trứng phục sinh nữa hén”.
Dulichgo
Thấy chúng tôi chụp hình những cánh đồng rơm đã cháy, để lại những vệt tro đen. Anh Lực, con trai áp út của ông bà Mười dẫn giải: “Ruộng này gặt lậu rồi. Mới gặt xong nước còn lấp xấp sình nhão. Chủ ruộng cho thả vịt vô ăn lúa. Vịt ăn sạch lúa thì thả bò vô ăn rơm.
< Có khách, ông Mười bơi xuồng đi hái bông lục bình và bông súng.
Rơm khi đó còn xanh, bò ăn tốt lắm. Bò ăn rơm rồi thả phân ra ruộng cho đất thêm tốt. Tới khi đất rơm gì cũng khô queo hết thì chủ ruộng coi đốt. Đốt xong xả mới cày lật, để rơm, tro, phân đất mặt gì cũng vùi xuống. Đất phía dưới trồi lên. Mà khi đó cũng là đúng mùa mưa tới, gieo mạ cấy lúa cho mùa mới”.
< Một ngôi nhà xưa trong vùng.
Anh Lực ngưng một chút rồi tự hào: "Như vậy mới hạn chế thuốc trừ sâu. Chứ vùng mình sống nhờ con cá ruộng cá sông. Xài thuốc nhiều quá con gì cũng chết hết”. Như mọi nông dân thời hiện đại, anh anh quơ tay giải thích thêm:
"Vùng này hợp nhất để trồng lúa, ngoài lộ thì gần đây ngoài rau màu đang trồng thêm xoài, cũng trúng lắm vì có phù sa từ sông Vàm Cỏ Đông”.
< Gian bếp nhà ông bà Mười.
Dulichgo
Buổi trưa Bến Sỏi thật vắng. các nhà đều đóng cửa nghỉ trong nhà. Chúng tôi rủ nhau đi thăm một ao vịt thời hiện đại. Trên bờ cây xanh che bóng bóng mát rượi. Ao sâu dưới thả cá, trên thả vịt, sàn là những tấm lưới để vịt đi vệ sinh.
< Bữa cơm bày ngay trên sàn nhà.
Ngoài thức ăn như cám, lúa... chủ nuôi còn đi móc lục bình về làm rau xanh cho vịt ăn rỉa. Những chú vịt trắng phao, đến lứa là có lái đi thu, rồi lên xe về thành phố thành món vịt quay, vịt tiềm, vịt chiên. Anh chủ ao vui vẻ: “Nuôi bây giờ là phải gia cầm sạch mới tiêu thụ được. Vịt nầy là vịt thịt, vịt đẻ nuôi kiểu khác... ”.
Đi một vòng quay về là đã tới giờ lên xe về lại thành phố. Bà Mười gom cá khô dúi theo: "Về trển buồn buồn nướng ăn”. Ông Mười không nói gì, nhưng mắt buồn buồn.
Anh Lực anh thì nhắn nhe: “Canh mùa mưa xuống nữa. Anh đang trét ghe. Mưa xuống, anh chèo xuồng chở đi ngắm bông súng, bông rong, bông rau dừa. Mùa đó cá ê hề, cắm cái cần nhỏ, móc mồi hạt cơm nguội cũng dính cá rô mề. Rồi cá sặc, cá chạch. Tha hồ nấu lẩu”...
Xe chạy, những người trên xe vẫy tay chào những người ở lại. Bụi biên giới mịt mù, còn lòng người Việt thì ở đâu cũng vậy, cứ nhẹ nhàng, hiếu khách, nhân hậu...
Theo Hằng Đinh (Dulich.Tuoitre)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét