Thứ Ba, 29 tháng 3, 2016

Bia Thủy Môn Đình, dấu ấn chủ quyền nơi biên giới

Bia Thủy Môn Đình là một trong số rất ít di vật có hai chữ "Việt Nam" với ý nghĩa như danh xưng của đất nước từ trước năm 1804 hiện còn nguyên vẹn.

< Bia Thủy Môn Đình tại Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn.

Cách cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) khoảng 2 km có một mái đình, phía dưới dựng tấm bia đặc biệt. Đây chính là phiên bản của bia Thủy Môn Đình do ông Nguyễn Đình Lộc, một viên quan triều Lê Trung Hưng, dựng tại đình Thủy Môn (xứ Đồng Đăng, châu Văn Uyên) vào năm Cảnh Trị thứ 8 (1670) đời vua Lê Huyền Tông. Tấm bia gốc hiện trưng bày ở Bảo tàng Lạng Sơn.

Dòng họ Nguyễn Đình có gốc gác từ Nghệ An, vốn là một trong bảy dòng họ thổ ty nổi tiếng nhất của Xứ Lạng, thường gọi là “thất tộc thổ ty". Mới ngoài 20 tuổi, Nguyễn Đình Lộc được phong chức Đô Tổng Binh sứ Ty, Bắc quân Đô đốc phủ, hữu Đô đốc, Thao quận công - làm nhiệm vụ trông coi, trấn giữ vùng biên giới Lạng Sơn và tiếp đón các sứ thần của hai nước Việt Nam, Trung Quốc. Đình Thủy Môn chính là nơi làm việc của các phiên thần họ Nguyễn.

< Bia Thủy Môn Đình do Nguyễn Đình Lộc - một viên quan triều Lê - dựng tại đình Thủy Môn (thị trấn Đồng Đăng, Cao Lộc, Lạng Sơn) vào năm Cảnh Trị thứ 8 (1670).
Dulichgo
Thực hiện trọng trách được vua giao, vị quan họ Nguyễn Đình đã khuyên giải, đoàn kết nhân dân, ổn định tình hình địa phương. Sau khi yên ổn, ông lập bia ghi lại những việc đã làm truyền cho thế hệ sau, nhắc nhở con cháu biết đoàn kết, gìn giữ phát huy truyền thống dòng họ để chung tay bảo vệ vững chắc biên cương của tổ quốc.

Bia được làm bằng đá núi hình khối hộp chữ nhật. Bà Chu Quế Ngân, Trưởng phòng kiểm kê - bảo quản Bảo tàng Lạng Sơn cho biết, điều làm nên giá trị đặc biệt của tấm bia chính là nội dung văn bia chứa đựng thông tin, tư liệu vô cùng quý giá về tên gọi, chủ quyền lãnh thổ của đất nước ở nơi địa đầu tổ quốc, có ý nghĩa hành chính rõ rệt và thể hiện vai trò của các dòng họ thổ ty.

Theo các nhà nghiên cứu, bia Thủy Môn Đình là một trong 7 hiện vật, tài liệu, thư tịch cổ có hai chữ "Việt Nam" với ý nghĩa như danh xưng của đất nước từ trước năm 1804 còn nguyên vẹn. Trong văn bia có câu: "Việt Nam hầu thiệt/ Trấn Bắc ải quan/ Thạch bích hoàn vũ/ Uyên quận giới phiên/ Đồng Đăng linh ấp” với ý nghĩa “đây là cửa ngõ và yết hầu của nước Việt Nam, là ải quan trấn giữ phương Bắc, vách đá giữa trời, quận sâu nơi biên giới. Ấp thiêng xứ Đồng Đăng”.

Hai chữ "Việt Nam" trong tấm bia chứng minh tên nước Việt Nam đã có từ sớm, không phải như một số tài liệu cho rằng tên nước Việt Nam mới xuất hiện từ thời nhà Nguyễn - sau khi vua Gia Long (Nguyễn Ánh) lên ngôi năm 1802, thống nhất đất nước mới đổi quốc hiệu là Việt Nam vào năm 1804. Tức là cách đây hơn 3 thế kỷ, danh xưng Việt Nam đã được sử dụng.

< Hai chữ Việt Nam trên bia Thủy Môn Đình thể hiện ý nghĩa quốc gia và danh xưng.

Tên bia viết bằng chữ Hán theo kiểu đại tự, bố trí theo chiều ngang “thể tồn bia ký” (bia gìn giữ truyền thống tộc họ). Dọc hai bên thân bia có đôi câu đối với nội dung: An trấn Thủy Môn Đình đình tiền thủy lục/ Tỏa thược Thiên Nam giới giới hạn thiên thư". Dịch nghĩa: “Gìn giữ đình Thủy Môn trước đình đường quanh suối lượn/ Khóa chặt ải Nam Quan, quan ải phân định sách trời”.
Dulichgo
Nội dung văn tự trên bia nêu rõ vị trí vùng đất Lạng Sơn là phên dậu của tổ quốc, là cửa ngõ, yết hầu, ải quan trấn giữ phương Bắc của nước Việt Nam. Đình Thủy Môn là nơi núi sông bờ cõi trời đất đã được phân định. Ngoài ra, ải quan trấn giữ phương Bắc còn có nghĩa đối lại với Trấn Nam quan của Trung Quốc, thể hiện tinh thần hiên ngang, vững vàng của dân tộc.

Lòng bia khắc bài ký (chữ Hán) có chủ đề chính là "liên kết để tồn tại". Vị quan Nguyễn Đình Lộc đã ghi lại những việc làm của mình để đoàn kết nhân dân bảo vệ biên cương. Mặt sau của bia chỉ có chữ mà không có hình trang trí. Chính giữa thân bia khắc chữ Hán viết theo lối đại tự, bố trí theo chiều dọc: "Thủy Môn Đình" (Đình Thủy Môn).

Bà Ngân cho hay sau khi đình Thủy Môn bị hỏng, tấm bia vẫn nằm ở vị trí cũ nhưng bị đổ, rời khỏi chân bia. Năm 1991, để chứng minh cho nhận định tên gọi "Việt Nam" xuất hiện sớm nhất vào thế kỷ 16 bằng thư tịch cổ, các di vật có hai chữ "Việt Nam" từ năm 1804 trở về trước, ông Nguyễn Phúc Giác Hải đã cùng ông Nguyễn Minh Tường (Viện Sử học) và ông Hoàng Giáp (Viện Nghiên cứu Hán - Nôm) lên Đồng Đăng (huyện Cao Lộc) tìm lại tấm bia.

< Phiên bản của tấm bia được dựng lên tại vị trí cũ, cách cửa khẩu Hữu Nghị ngày nay 2 km.

Trước đó, năm 1971 một chuyên viên thuộc Bộ Ngoại giao khi đi công tác từ Trung Quốc về nhìn thấy nội dung tấm bia, biết ý định này đã kể lại với ông Hải. Bia được phát hiện trong một bụi cây tại sườn đồi.
Dulichgo
Năm 1991, Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn đã đưa bia về Bảo tàng gìn giữ, sau khi dập, dịch nội dung tấm bia. Tại địa điểm tìm được bia Thủy Môn Đình, phiên bản của tấm bia được dựng lên phục vụ tham quan, nghiên cứu. Điểm di tích này đã được UBND tỉnh Lạng Sơn xếp hạng di tích Lịch sử Văn hóa cấp tỉnh năm 2002.

Ông Nông Đức Kiên, Phó giám đốc Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn cho biết, bia Thủy Môn Đình là tư liệu lịch sử vô cùng quý giá có ý nghĩa về chủ quyền lãnh thổ nơi phên dậu đất nước và quyết tâm, trách nhiệm của những con người sống tại vùng biên cương quyết tâm bảo vệ tổ quốc. Với ý nghĩa như vậy, ngày 14/1/2015, Thủ tướng đã quyết định công nhận bia Thủy Môn Đình là bảo vật quốc gia.

Theo Hồng Vân (Vnexpress)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét