Thứ Sáu, 18 tháng 3, 2016

Xứ Thanh Mường Lát, Sài Khao...

(DNSG) - Miền Tây Thanh Hóa luôn gợi nhớ một vùng đất hiểm trở nhưng cũng vô cùng đẹp đẽ và lãng mạn. Tây Thanh Hóa trong con mắt thi sĩ Quang Dũng cùng đoàn quân Tây Tiến năm xưa là:

< Ruộng bậc thang vàng óng nơi đại ngàn.

Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi

Bây giờ không chỉ có một miền Tây Thanh Hóa của bao hoài niệm, của lòng ngưỡng vọng mà còn là vùng đất xanh tươi với những thửa ruộng bậc thang, bản làng nhỏ xinh của cuộc sống hiện đại.

Miền Tây xứ Thanh ấy đang là cung đường phượt hay du lịch sinh thái với trục Cẩm Thủy - Bá Thước - Quan Hóa (Thanh Hóa) và kết thúc ở Mai Châu (Hòa Bình), hoặc ngược lại.

1. Chẳng cần lang thang đến tận Sài Khao, Mường Lát mà chỉ phóng xe từ đường Hồ Chí Minh ngược theo tỉnh lộ 217 rồi quốc lộ 15C thì những gì hoang sơ của rừng núi, hiểm trở của địa hình phía Tây Thanh Hóa đã thấm đẫm hồn người.

Tạm biệt những người bạn ở “suối cá thần” Cẩm Lương, Cẩm Thủy, chúng tôi nhằm hướng Tây thẳng tiến. Đường lên miền Tây xứ Thanh đã được trải nhựa, cuộc sống của cư dân có phần khấm khá.
Dulichgo
Chúng tôi dừng chân bên cầu La Hán ở thị trấn Cành Nàng (Bá Thước). Đã bắt gặp sông Mã ở thị trấn Cẩm Thủy, đến đây sông Mã lại hiện ra với một dáng vẻ hoàn toàn khác. Đứng trên cầu nhìn dòng sông, cảm giác như chóng mặt trước hun hút con nước mênh mang.

Sông Mã nơi này là dáng vẻ hoang sơ và da diết buồn như Quang Dũng đã tả cùng đoàn quân Tây Tiến năm nào. Một xóm chài với vài con thuyền nan không làm cho cảnh vật sinh động hơn mà còn gợi sự chòng chành sông nước những kiếp người.

Xe chúng tôi lại lăn bánh. Miền đồng bằng dần dần thu nhỏ lại để nhường tầm mắt cho những vạt rừng thâm u. Những cái tên như Bản Tôm, Phố Đoàn, Bản Dốc, Bản Hiêu nghe rất xa lạ nếu như lữ khách không xem bản đồ trước.

2. Phố Đoàn được xem như thị tứ của vùng Pù Luông, là nơi hiếm hoi tìm thấy phòng nghỉ trong một nhà tầng bê tông có sóng wifi. Nơi đây dành cho những ai đã lang thang mấy ngày trong những cánh rừng để có chút phố xá, hoặc như chúng tôi tới Phố Đoàn để mua vài vật dụng thiết yếu trước khi tiến sâu vào miền sơn cước.

Bác Hà Đình May - chủ một tiệm tạp hóa ở Phố Đoàn vui vẻ tiếp chuyện chúng tôi. Bác cho biết: “Đường từ đây lên Bản Hiêu không xa nhưng khó đi, nếu trời mưa lại càng trơn trượt. Các cháu lên Son, Bá, Mười thì đường bê tông nhưng rất dốc và vẫn còn hiểm trở”.

Đường tới Bản Hiêu (xã Cổ Lũng, Bá Thước) đúng là đầy thử thách như bác May đã cho biết. Con đường đất nhỏ xíu chỉ vừa bánh xe chạy men theo những triền núi, lên lên xuống xuống lòng vòng vài kilomet mà cảm thấy như xa xôi lắm.

Bản Hiêu nằm giữa một thung lũng, xung quanh là màu xanh của rừng núi. Nơi đây đã là vùng lõi của Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông 17.662 ha, có 1.542 loài thực vật và 908 loài động vật, trong đó có nhiều loài động thực vật quý hiếm được xếp trong sách đỏ Việt Nam và sách đỏ thế giới, như thông Pà Cò, nghiến, lan hài, kim tuyến đá vôi, voọc xám, báo gấm, sơn dương, gấu đen châu Á.

Sau hơn một giờ cuốc bộ, chúng tôi tới được một con thác nhỏ, quanh con thác có mấy ngôi nhà sàn khá khang trang dành cho du khách, hầu như vắng bóng nhà dân hoặc đâu đó thấp thoáng một nếp nhà đã gần như bị cây rừng che khuất.
Dulichgo
Từ bản Hiêu trở ra, chúng tôi gặp một đoàn khách nước ngoài. Ba lô trên lưng và gậy cầm tay, các chàng trai, cô gái Tây rất thích đi bộ qua các bản làng, đồng quê để khám phá cảnh vật và cuộc sống một vùng đất xa lạ. Tiếng cười nói vui vẻ và dáng vẻ, trang phục du lịch bụi của họ đã làm cho chốn núi rừng có nét tươi mới. Vừa thấy chúng tôi, họ dơ tay “Xin chào!”, lơ lớ mà rất đỗi thân thiện.

3. Nếu như Bản Hiêu thử thách đôi chân lữ khách thì hành trình từ Phố Đoàn lên bản Cao, bản Trình, bản Hin... tiến tới Pù Luông là bản Son, bản Bá, bản Mười lại thử thách sức khỏe “con xế”. Cung đường chỉ gần 20 kilomet nhưng ngốn xăng bằng cả 100 kilomet khi chạy dưới đồng bằng. Rất nhiều đoạn cua dốc dài, xe phải về số 1, gầm rú ì ạch từng mét đường.

Son, Bá, Mười xa xôi, hiểm trở nhưng vẫn là đích cần tới của những ai đã vào Pù Luông. Lên đến vùng đất này có nghĩa bạn đang ở lưng chừng trời với độ cao 1.500 mét so với mực nước biển.

Cái sảng khoái “cả đất trời nằm gọn trong tầm mắt” khiến chúng tôi lại nhớ tới một câu thơ của Không Lộ Thiền Sư trong bài Ngôn hoài đã từng học thời phổ thông:

Có khi đỉnh núi trèo lên thẳng
Một tiếng kêu vang lạnh cả trời

Đứng trên bản Son nhìn thấy những bản làng thuộc xã Cổ Lũng nhỏ xíu phía xa mà mình vừa trải qua. Khí hậu ở Son, Bá, Mười lành lạnh cuối Thu dù trời vẫn có nắng. Cuộc sống bình yên và dường như trôi rất chậm tại đây làm ai đó đến từ chốn thị thành phải bâng khuâng...

Mùa Đông vùng đất này có lúc nhiệt độ xuống tới 0. Cũng bởi đường sá cách trở, thời tiết khắc nghiệt, nhất là mùa Đông nên chẳng cô giáo nào lên đây cắm bản dạy học, nên trường nào cũng toàn thầy giáo.
Dulichgo
Những đứa trẻ tíu tít bên nhà sàn, sau phút e ngại với người lạ, đã bắt chuyện rồi đòi chúng tôi chụp ảnh. Thích thú khi được xem lại hình của mình, chúng vui vẻ và mời bằng được chúng tôi vào nhà. Một điều khá thiệt thòi cho nơi đây là vẫn chưa có điện nên cuộc sống về đêm tăm tối lắm.

4. Thượng sơn rồi lại hạ sơn. Chúng tôi không nhớ đã đi qua bao bản người Thái, người Mường, quyết định vùi mình một đêm trong bản Kho Mường (xã Thành Sơn, Bá Thước) hẻo lánh.

Kho Mường có đến 99% người Thái, cuộc sống hầu như tự cung tự cấp. Sau khi khách du lịch nước ngoài đến Kho Mường và dừng chân ở đây thì có hai hộ dựng lại nhà sàn làm homestay.

Người miền núi quý khách như người nhà, chẳng “chặt chém” bao giờ, khiến chúng tôi vô cùng cảm mến. Gia chủ có con gà, con vịt hoặc nắm gạo nếp mang ra nấu và cùng ăn với khách nghỉ qua đêm. Họ còn coi du khách như những người bạn đến thăm gia đình chứ chẳng bao giờ lạnh lùng theo kiểu mua - bán, thu tiền là xong.

Tạm biệt Kho Mường với bao điều đáng nhớ, dù chỉ ở lại một đêm, chúng tôi thẳng tiến theo quốc lộ 15C từ bản Pà Khà ngược lên “nóc nhà” Pù Luông với độ cao 1.700m.

Đường đến với nóc nhà Pù Luông khá hiểm trở và rất ít người đi được. Ai muốn chinh phục độ cao ấy phải có dân bản địa hoặc kiểm lâm dẫn đường.

5. Chúng tôi rời Pù Luông sau khi qua bản Hang, bản Đốm (xã Phú Lệ, Quan Hóa). Một hành trình xuyên qua vùng đại ngàn hiểm trở, tuy vất vả nhưng đã được trải nghiệm đúng nghĩa. Khi ra đến quốc lộ 15, chúng tôi gặp từng đoàn khách tây, ta và đặc biệt là các bạn trẻ tiến về Pù Luông.

Nhiều người cho rằng Mai Châu giờ đã không còn hấp dẫn, bởi mòn bước chân, quá quen thuộc. Nếu đi hướng quốc lộ 6 qua Hòa Bình tới Mai Châu, nhiều người chỉ lướt qua nơi đây để dành hành trình cho Pù Luông. Và ngược lại, như chúng tôi đi từ hướng đường Hồ Chí Minh lên đã trải qua mấy ngày mệt mỏi, giờ chỉ mong vụt qua Mai Châu để về Hà Nội.

Theo Diệp Băng (Doanh Nhân Sàigòn)
Du lịch, GO!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét