Thứ Bảy, 31 tháng 10, 2015

Việt Nam lọt vào top 20 quốc gia được du khách thích nhất

Theo bình chọn của độc giả tạp chí Cntraveller, Việt Nam nằm trong danh sách điểm đến được yêu thích nhất thế giới cùng với Italy, Pháp, Mỹ và Thái Lan.

Việt Nam



Kết quả bình chọn dựa trên đánh giá của 128.000 độc giả. Theo đó, Việt Nam đứng thứ 12 trong danh sách 20 điểm đến. Một trong số các độc giả bình chọn, đầu bếp Anthony Bourdain, cho biết chuyến đi tới Việt Nam đã làm thay đổi cuộc sống của mình, nơi đây như một hành tinh khác, cuốn hút ông khiến ông không muốn rời đi.

Italy



Theo độc giả Cntraveller, ít ai có thể cưỡng lại sự quyến rũ của món pasta và những người đẹp của đất nước này. Đến đây, bạn có thể nhâm nhi rượu vang hàng giờ ở Piazza San Marco (Venice), "kết bạn" với một chiếc võng trong biệt thự ở Tuscany, hoặc tắm nắng trên những vách đá của Riomaggiore. Đây cũng là quốc gia lý tưởng nhất cho kế hoạch du lịch năm sau của bạn.

Pháp 



Mùa xuân là thời điểm tuyệt vời cho một chuyến đi đến Pháp, nơi bạn có thể tưởng thức pho mát, rượu nho hảo hạng. 

Mỹ



Độc giả của Cntraveller đánh giá cao những thành phố lớn của Mỹ hay công viên giải trí dành cho gia đình, và khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp. Dãy núi Catskill của New York, nhóm đảo Golden Isles của Georgia là một vài điểm đến mà các biên tập viên của tạp chí du lịch này giới thiệu.

Tây Ban Nha



Kể từ khi nhà hàng Ferran Adria's elBulli mở ở Catalonia, Tây Ban Nha được biết đến nhiều hơn với các tín đồ ẩm thực. Bạn có thể lên kế hoạch cho một kỳ nghỉ xoay quanh các nhà hàng nổi tiếng ở đây. Thời gian lý tưởng để khám phá quốc gia này là tháng 4.

Hy Lạp



Athens, Hy Lạp được Cntraveller đánh giá là một trong những thành phố đáng ngắm nhất năm 2015. Du khách đến đây thường bị cuốn hút bởi làn nước màu ngọc lam và không khí trong lành.

Australia



Melbourne, Australia được mệnh danh là thành phố dễ sống nhất thế giới (theo Economist Intelligence Unit). Do đó, đây cũng là nơi lý tưởng để du lịch. Bán đảo Mornington ở Melbourne với những vườn nho, bãi biển xinh đẹp là điểm đến đáng để bạn khám phá. Nơi đây cách kỳ quan Twelve Apostles 3,5 giờ lái xe.

New Zealand



Đây là một điểm đến cho những người thích phiêu lưu. Bạn có thể tận hưởng cuộc sống nguyên thủy trong một cabin không có điện trên đảo Great Barrier, ngâm mình trong làn nước trong lành của Maruia Springs, chinh phục địa hình núi lửa ở công viên quốc gia Tongariro...

Thái Lan



Dù chọn Bangkok hay Phuket, bạn vẫn có thể cảm nhận được một Thái Lan với nền văn hóa đa dạng, ẩm thực độc đáo và khu nghỉ dưỡng yên bình. Nhiều du khách hiện nay còn chọn đến quốc gia này để cải thiện sức khỏe với các khu nghỉ kết hợp yoga và giải độc.

Thổ Nhĩ Kỳ



Các nhà thờ Hồi giáo tuyệt đẹp, lâu đài hùng vĩ cùng nhiều kỳ quan thiên nhiên như Pamukkale (lâu đài bông) là điểm đến yêu thích của du khách. Ngoài ra, Soho House vừa được xây dựng ở quận Beyoglu, Istanbul là gợi ý mới dành cho bạn.

Nguồn: Vnexpress.net

Thứ Năm, 29 tháng 10, 2015

Khoái khẩu với cá leo sông Thoa

(BQN) - Sông Thoa, chi lưu của dòng Vệ giang, khởi nguồn giữa hai huyện Nghĩa Hành và Mộ Đức. Khi vào địa phận huyện Đức Phổ, dòng sông này lại góp thêm nước của cả ba dòng Trà Câu, sông Trường và Lò Bó trước khi ra biển nên được xem là sông mẹ. Biết bao suối khe, kênh rạch đôi miền xuôi - ngược hòa nước chung dòng, tạo vẻ thơ mộng cho sông Thoa trước khi hòa vào đại dương qua cửa biển Mỹ Á.

Cư dân những làng xóm ven bờ bao đời cần mẫn giăng câu, chài lưới đánh bắt cá tôm trên sông. Thuở trước, sản vật dòng sông khá phong phú theo các mẹ, các chị lên chợ, vào bữa cơm của những gia đình. Đổi lại là tương cà, rau quả cho bữa ăn hàng ngày, dăm miếng kẹo lạc, vài tấm bánh đa cho con trẻ. Giờ sản vật sông Thoa ngày càng suy kiệt nhưng vẫn còn những con chép, con trôi dăm bảy ký, những con cá leo béo thơm làm nức lòng thực khách…

Chiều phai nắng, tôi và nhóm bạn rong ruổi ven bờ đoạn cuối bờ sông, nơi dòng nước sắp hòa vào đại dương bao la. Sông Thoa mùa cạn hiền hòa với dòng nước lững lờ trôi in nền trời xanh thẳm. Trên sông thấp thoáng bóng ngư phủ giăng lưới, quăng chài bắt cá tạo nên bức tranh thấm đẫm hồn quê. Và chúng tôi được người bạn ven sông chiêu đãi những món ngon chế biến từ cá leo thường ngày bơi lội trong dòng sông hằn trong ký ức của bao người. Cá leo sông Thoa có màu trắng pha vàng xám trên lưng, thịt săn chắc, hương vị thơm và rất béo dùng để chế biến các món: nấu canh chua, nướng, nấu cháo, chiên, nấu lẩu, um với khế…

Với món cá leo um khế thì dùng dao chặt vi, móc bỏ mang và ruột, rửa sạch nhớt rồi cứa vài đường trên thân cho nhanh ngấm gia vị. Khế chua sắp chín rửa sạch rồi dùng dao thái lát dọc. Đun dầu phộng sôi trên bếp rồi cho thêm ít nghệ tươi xay nhuyễn. Sau đó, cho cá vào và dùng đũa trở nhẹ cho săn thịt rồi thêm ít nước, gia vị: Muối, đường, bột ngọt… đun lửa nhỏ cho gia vị thấm đều vào cá. Ước chừng cá sắp chín thì cho khế thái lát vào lẫn với cá đến khoảng hơn mươi phút, thêm ít tiêu xay nhuyễn rồi nhấc xuống khỏi bếp.

Đĩa cá leo um khế với màu sẫm của cá và màu vàng của khế điểm thêm màu xanh của vài nhánh rau thơm trông thật bắt mắt. Thịt cá thơm phức, vị ngọt béo hòa quyện với vị chua từ khế xen lẫn hương vị của gia vị cứ lưu mãi nơi đầu lưỡi, phảng phất hương vị phù sa từ sông quê.
Dulichgo
Cả nhóm đang “ngất ngây” với món cá leo um khế cùng dăm ly rượu đế thì anh bạn cho những con cá đã làm sạch lên vỉ sắt nướng trên bếp than hồng. Sau vài phút da cá sẫm màu, mỡ chảy xèo xèo bốc mùi thơm phức lan tỏa theo gió. Anh chẻ đôi những trái đậu bắp rửa sạch rồi cho lên vỉ nướng cùng cá đến sẫm màu để ăn cùng với cá cho thêm “tròn vị”.

Chén muối hạt giã nhuyễn với ớt, vắt thêm tí nước cốt chanh đặt cạnh đĩa cá nướng như mời gọi. Gắp miếng thịt cá chấm vào chén muối rồi đưa vào miệng để cảm nhận vị ngọt béo từ cá quyện với vị mặn của muối hòa cùng vị cay của ớt lẫn vị chua từ chanh. Nhẩn nha nhai thêm nhánh rau thơm thì dường như bao hương vị vào cả trong miệng rồi lan tỏa lên mũi, vô cùng sảng khoái. Thêm miếng đậu bắp nướng nghe giòn tan trong miệng càng thêm phấn khích…

Ôi! Dòng sông Thoa hiền hòa thơ mộng trong mùa cạn và mênh mang nâu đỏ phù sa trong mùa lũ đã dâng bao sản vật cho đời. Và tấm lòng chất phác của cư dân đôi bờ như níu chân lữ khách trở về để thưởng thức những món ngon từ con leo, con chép… nơi dòng sông yêu dấu.

Theo Trang Thy (Báo Quảng Ngãi)
Du lịch, GO!

Pháo đài trên núi Tượng

Trong một chuyến về An Giang, chúng tôi có dịp tìm đến với núi Tượng ở thị trấn Ba Chúc, huyện Tịnh Biên, cách TP. Hồ Chí Minh 300km.

< Đường đến núi Tượng.

Núi Tượng có tên chữ là Liên Hoa Sơn, cao 145m, thuộc hệ thống Thất Sơn, đã từng được nhà văn Sơn Nam miêu tả như sau: Vùng Ba Chúc (quanh núi Tượng), thung lũng nhỏ, cổ kính, có cảnh “trước miễu, sau chùa”, miễu (là đình làng độc đáo, thờ trăm quan đại thần) cất phía trước, chùa phía sau, kề sát nhau.

Con đường từ quốc lộ 91 vào thị trấn Ba Chúc dài khoảng 25km, đường khá tốt. Hai bên đường là xóm làng, vườn tược, những cánh đồng lúa rộng bát ngát với những dãy núi xa xa.

< Ông Năm núi Tượng.

Đến nơi, nhóm chúng tôi được một em thiếu nhi tên Đoàn, dân núi Tượng chính gốc hướng dẫn leo núi. Đường lên núi chỉ là một lối mòn nhỏ xuyên qua rừng tầm vông rậm rạp, quanh co hiểm trở, có những hang hốc nhỏ hẹp, có cả đoạn dốc cao bên cạnh vực sâu. Hai bên đường có khá nhiều cây cối hoang dại như trâm, sung, mét, săn máu… xen lẫn với xoài, mít, me, đào um tùm, mát mẻ. Chim sâu nhảy nhót, ríu rít trong những vòm lá xanh rậm rạp.
Dulichgo
Đến lưng chừng núi, chúng tôi gặp một người đàn ông ăn mặc như đạo sĩ đi lấy củi và xắn măng trên núi xuống. Được hỏi chuyện, “đạo sĩ” xưng mình là “ông Năm núi Tượng” và nhân tiện ông kể lại vài nét về lịch sử Liên Hoa Sơn. Theo ông, trước năm 1870, vùng núi này hãy còn hoang vắng. Sau đó, thầy Ngô Lợi, người khai sáng đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa đã dẫn dắt một số đệ tử vào vùng núi Tượng khai hoang lập ấp, sau này trở thành làng An Định với 14 thôn. Tín đồ các nơi đổ về ngày càng đông đúc. Đến năm 1890, thầy Ngô Lợi mất tại núi Tượng.

< Cốt Hai trên đỉnh núi.

Sau một hồi nghỉ chân nghe chuyện, chúng tôi lại lên đường với quyết tâm “chinh phục” đỉnh Liên Hoa Sơn. Càng lên cao, đường càng dốc, có nơi gần như thẳng đứng phải chen lách qua những khe, gờ, hẻm đá, ai nấy phải đeo bám những thân tầm vông, dây leo chằng chịt tiến lên từng bước một. Có đoạn phải men theo vách đá trơn nhẵn với một bên là vực sâu.

Cuối cùng, bao mệt nhọc cũng tan biến khi đỉnh núi Tượng cùng với cốt (lô cốt) Một, cốt Hai sừng sững hiện ra. Hai lô cốt này được quân dân địa phương xây dựng như là hai pháo đài ở địa thế hiểm yếu làm điểm phòng thủ và cảnh giới trong những năm chiến tranh biên giới Tây Nam.

< Đồng ruộng dưới chân núi.
Dulichgo
Cốt Một, cốt Hai nằm trên hai tảng đá lớn cách nhau chừng 5m. Mỗi cái có thể chứa một tiểu đội. Dưới tảng đá của lô cốt là hang Vồ Đá Dựng thâm u, bí ẩn, sâu hun hút, hầu như chưa ai dám xuống! Chung quanh lô cốt có rất nhiều hang hốc, gờ đá thuận lợi cho phòng thủ. Đứng trên nóc hai lô cốt, du khách có thể quan sát gần như toàn bộ khu vực Tây Nam với nhà cửa lô nhô dưới chân núi, vườn tược, đồng ruộng xanh tươi, xa xa là vùng núi Tà Lơn của nước bạn Campuchia…

Một chuyến đi đến Thất Sơn, leo núi Tượng, khám phá 15 hang động của Liên Hoa Sơn sẽ mang lại nhiều điều thú vị, bổ ích cho những ai muốn khám phá, tìm hiểu vùng bán sơn địa của miền đất Tây Nam Tổ quốc.

Đặng Xuân Nhi (Doanh Nhân Cuối Tuần)
Du lịch, GO!

Cam sành Hàm Yên ở làng Mường

(TTO) - Mùa này nếu có dịp ngược lên Tuyên Quang để đến với mảnh đất đồi Hàm Yên, bạn sẽ không khỏi choáng ngợp bởi những vườn cam xanh ngát sum sê trái trải dài trên những triền đồi đầy sỏi đá.

< Cam trồng trên các triền đồi.

Tuyên Quang thường được nhắc đến với những chiến công lịch sử hào hùng của thế hệ cha ông đi trước. Ngày nay, mảnh đất này còn níu chân du khách với nhiều sản vật, đặc biệt cam sành Hàm Yên. Cam sành đã được trồng từ lâu trên vùng đất Hàm Yên và người dân ở đây thường quen gọi là cam làng Mường.

Theo các cụ già trong làng kể lại, giống cam sành này được trồng từ rất lâu đời. Vào khoảng năm 1890, hai người dân tộc trong lúc đi bẫy thú ở núi Quan Tiên, bản Mường đã nhìn thấy một loại cây có gai nhọn, lá thơm, có một số quả đã chín vàng. Hái ăn thử thấy có mùi vị ngon và thơm mát họ bèn mang hạt về trồng ở vườn nhà. Từ đó, mọi người truyền nhau xin giống mang về nhà trồng, phát triển thành những trang trại cam rộng lớn như ngày nay.

< Vườn cam sai trĩu quả.

Dọc trên đường vào Hàm Yên, bạn sẽ thấy thật thư thái và mát mắt bởi màu xanh của những vườn cam trải dài ngút mắt. Cam được trồng tập trung ở 9 xã Phù Lưu, Yên Thuận, thị trấn Hàm Yên, Yên Phú…. Nhưng  nhiều nhất là tại Phù Lưu. Và theo người dân ở đây, cam ở Phù Lưu là thơm ngon nhất.
Dulichgo
Tiếng thơm lan xa, rất nhiều người dân nơi khác đã đến lấy giống về trồng nhưng chỉ cam trồng ở Hàm Yên mới cho chất lượng ngon hơn cả. Có lẽ khí hậu, điều kiện thổ nhưỡng ở đây hợp cho cam sành phát triển.

Ngày nay, những vườn cam đã mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân Hàm Yên, nhiều mô hình vườn có doanh thu đạt từ vài trăm đến hàng tỉ đồng mỗi năm. Vì thế cam sành Hàm Yên được xem là cây “đũa vàng” cho bà con nông dân nơi đây.

Mùa này nếu đi dọc các tuyến đường Hàm Yên, đặc biệt vào xã Phù Lưu, bạn sẽ trầm trồ bởi những cây cam xanh ngát vươn lên trên dãy núi Pá Phúng cao vời. Từng hàng cam sai trĩu quả, lúc lỉu đung đưa trong gió, báo hiệu một vụ mùa bội thu đang đến gần. Trên những con đường làng, tấp tập những chuyến xe nối đuôi nhau chở cam đi khắp các tỉnh thành trong cả nước.

Ngược dòng sông lô đến với thành Tuyên, ôn lại lịch sử hào hùng một thời, bạn đừng quên khám phá ẩm thực của vùng sơn cước này và nhớ thưởng thức cam sành Hàm Yên để cảm nhận hương vị ngọt, ngon kết tinh của nắng, gió của đất đồi, của tình người vùng cao.

Hấp thụ những tinh hoa từ đất, gió, nắng và nguồn nước mát, trong lành từ ngọn núi Phá Phúng, cam Hàm Yên mang hương vị đặc trưng riêng, vị ngọt cũng khác hẳn cam sành vùng khác. Những tép cam vàng mọng nước, thơm ngon, thanh mát nổi tiếng không chỉ trong tỉnh mà cả nước đều biết đến.

< Những quả cam mọng nước lúc lỉu trên cành.
Dulichgo
Được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu, nhưng cũng nhờ sự cần cù và chịu thương chịu khó của bà con dân tộc nơi đây mà cam Hàm Yên đã khẳng định được thương hiệu, chỗ đứng của mình giữa bạt ngàn hoa quả trôi nổi hiện nay. Năm 2007, cam Hàm Yên đã được đăng ký nhãn hiệu và đoạt được nhiều giải thưởng về nhãn hiệu thương mại. Đặc biệt năm 2013, cam Hàm Yên được vinh danh lọt vào tốp 10 loại trái cây nổi tiếng nhất Việt Nam.

Theo nghiên cứu, cam sành Hàm Yên là loại cam có giá trị dinh dưỡng cao, chứa trên 10% hàm lượng đường, hàm lượng vitamin C từ 40 - 90mg/100g cam tươi. Ngoài ra, cam sành Hàm Yên còn có các chất axit hữu cơ, trong đó có nhiều loại axit có hoạt tính sinh học cao cùng các chất khoáng và dầu thơm.

Theo Hoàng Hân (Dulich.Tuoitre)
Du lịch, GO!

Thứ Tư, 28 tháng 10, 2015

Thác Suối Reo ở xã Gia Tân

(TCVN) - Thác Suối Reo tọa lạc tại xã Gia Tân 1, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai; nằm cách Quốc lộ 20 khoảng 3km theo đường Đức Huy - Thanh Bình đi vào. Khu vực thác có diện tích hơn 100 ha, đã được xác định trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội huyện đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 đã được phê duyệt.

Thác Suối Reo uốn lượn quanh co theo địa hình rồi đổ thành thác (cao khoảng 10m) và chảy tiếp vào lòng hồ Trị An. Bao quanh suối có hệ thống suối dày đặc; tiếp giáp với khu quy hoạch rừng phòng hộ, vùng chuyên canh rau-hoa-cây cảnh Đồi Cô Tin (có diện tích khoảng 20 ha), trồng cây lâu năm; có tuyến đường Gia Tân 1 - Gia Kiệm (quy hoạch lòng đường rộng 15m); có đường điện 110 KV đi qua, rất thích hợp để xây dựng khu du lịch sinh thái, khu du lịch xanh gắn liền vườn cây ăn trái với thác, đồi, thung lũng và vùng hồ Trị An.

< Một đoạn thác Suối Reo.

Thác Suối Reo nằm trên địa bàn xã thuộc vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo, có 2 mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô: Mùa khô kéo dài trong 6 tháng từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, thường có gió mùa Đông Bắc, mang đặc trưng chủ yếu của vành đai tín phong và không khí nhiệt đới ít hơi ẩm, nóng và không có mưa. Mùa mưa có gió mùa Tây Nam mang nhiều hơi ẩm từ  Ấn Độ Dương thuộc không khí xích đạo và nhiệt đới, có đặc tính nóng ẩm và mưa nhiều. Nhiệt độ trung bình năm là 25°C – 26°C, nhiệt độ trung bình cao nhất là 34,5°C, nhiệt độ trung bình thấp nhất là 20,5°C.
Dulichgo
Khu vực thác Suối reo thông ra hồ Trị An là hồ nước ngọt rộng lớn, có nhiều đảo tạo phong cảnh đặc trương với không khí trong lành, là nơi sinh sống của nhiều loài thủy hải sản đặc trưng (cá Hoàng Đế, tép Trị An, cá Bống Tượng...); thiên nhiên hoang sơ, nhưng lại nằm gần Quốc lộ 20 có đường giao thông thuận tiện và nằm trong khu vực kinh tế trọng điểm của cả nước, nơi mà thu nhập của người dân ngày càng tăng, nhu cầu du lịch sinh thái đã hình thành và ngày càng phát triển; nằm cạnh khu hành hương Núi Cúi - một trong những khu hành hương lớn của miền Nam đang được xây dựng...

Với vị trí địa lý, lịch sử và điều kiện tự nhiên hiện có của khu vực thác Suối Reo là điều kiện lý tưởng để đầu tư phát triển du lịch sinh thái như: Xây dựng khu Resort, ăn nghỉ, với hệ thống nhà nghỉ, biệt thự cao cấp, biệt thự sinh thái được bố trí hai bên sườn đồi và đan xen trong thung lũng, sẽ tận dụng tối đa cảnh quan thiên nhiên của đồi và thung lũng, làm hài hòa không gian mà không phá vỡ cảnh quan thiên nhiên.

Khu thể thao vui chơi giải trí, có thể bố trí thành 2 khu vực chính: Khu vui chơi trên cạn và khu vui chơi dưới nước với nhiều loại hình trò chơi phong phú: tennis, cầu lông, leo đồi, dù lượn, tàu trượt, cáp treo, đi xe đạp, câu cá giải trí ...
Dulichgo
Đồng thời, Khu du lịch thác Suối Reo có thể kết nối với các tuyến du lịch trong và ngoài huyện: Tuyến du lịch các đảo trên hồ Trị An; tuyến du lịch làng cá bè La Ngà: tuyến xem te cá cơm hồ Trị An về đêm; tuyến du lịch tâm linh đến Trung tâm hành hương Đức mẹ Núi Cúi vừa được khởi công xây dựng, nằm cạnh khu sinh thái thác Suối Reo; tuyến du lịch vườn cây ăn trái; tuyến du lịch đến đảo Cao Minh

Ngoài ra, khi hình thành khu du lịch sinh thái, Suối Reo sẽ là điểm dừng chân tham quan và thu hút các hãng lữ hành đưa khách từ TP.HCM lên tuyến Đà Lạt - Lâm Đồng, hoặc tuyến Lâm Đồng về Vũng Tàu và thành phố Hồ Chí Minh…

Có thể nói Khu vực thác Suối Reo là điểm lý tưởng để đầu tư xây dựng khu du lịch xanh, du lịch sinh thái, du lịch miệt vườn. Với tiềm năng và lợi thế của thác Suối Reo nếu được đầu tư xây dựng, thì sẽ trở thành khu đô thị sinh thái, vui chơi, nghỉ dưỡng hoàn chỉnh đầu tiên của huyện Thống Nhất,  góp phần phát triển du lịch địa phương và kết hợp với các tour TP.HCM, Vũng Tàu, Phan Thiết, Bình Thuận, Lâm Đồng...để đưa du khách đến khám phá những thắng cảnh của huyện Thống Nhất - Đồng Nai.

Theo Toàn Cảnh VN
Du lịch, GO!

Động Hương Tích – Nam thiên đệ nhất động

Động Hương Tích cách Hà Nội gần 70 km về phía Tây Nam. Đây là một động đẹp, trọng tâm của khu du lịch quốc gia Hương Sơn thuộc huyện Mỹ Đức tỉnh Hà Tây nay thuộc thành phố Hà Nội.
Động Hương Tích vốn có từ thời kỳ vận động tạo sơn, được phát hiện vào thế kỷ XI và đưa vào thờ Phật từ năm 1687. Xưa kia động Hương Tích không một bóng người qua lại, cho đến khi cố Hoà thượng Vân Thuỷ Thiền Thiên Trần Đạo Viên Quang trụ trì chùa Thiên Trù nhân một chuyến vãn cảnh núi non Hương Sơn đã tìm ra cửa vào động.

< Thiên nhiên khoáng đạt nhìn từ cửa động.

Sách Dư địa chí của Phan Huy Chú chép rằng: “… Núi Hương Tích ở phía tây núi Tuyết Sơn theo khe suối đi ngược lên, leo nhiều tầng núi mới vào động. Cảnh thiên nhiên như quỷ thần tạc rất lạ và khéo, là động đẹp nhất miền Nam Hải…Tương truyền, Phật Quan Âm Bồ Tát cầm tích trượng sang phương Nam trụ trì ở đây… mỗi năm ngày xuân về thiện nam, tín nữ ở các phương đến động dâng hương…”

Tháng ba năm Canh Dần (1770), Chúa Trịnh Sâm từng tham quan động và đặt tên cho động là "Nam Thiên đệ nhất động" tức động đẹp nhất trời Nam.

< Muốn lên động Hương Tích phải đi hơn 2km đường núi, từ chùa Thiên Trù. Nhiều hàng quán do người dân mở dọc đường phục vụ du khách. Du khách cũng có thể chọn đi cáp treo lên động chỉ mất khoảng 5 phút.
Dulichgo
Nhìn toàn cảnh, động Hương Tích nhìn giống như một cái đầu Rồng đang há miệng vờn ngọc, núi Đụn Gạo là lưỡi rồng còn những khối thạch nhũ cao to trổ xuống là răng rồng…mà đuôi rồng thì ở tít núi Ái Nàng – Hang Nước. Trước cửa động nhìn sang là một ngọn núi nhỏ, tròn xinh giống như viên ngọc minh châu, thường được gọi là thung Cháu (hay một số người lại gọi lài thung Châu). Quả núi có động Hương Tích là núi cao thứ nhì trong toàn hệ thống núi rừng Hương Sơn.

Trong động có pho tượng Phật bà Quan Âm làm bằng đá xanh tạc thời Tây Sơn và hàng vạn nhũ đá nhấp nhô với biết bao hình thù kỳ lạ: Bầu Sữa Mẹ, Hoa Phiền Não, Đụn Gạo, đụn Tiền, núi Cậu, núi Cô, Cây Vàng, Cây Bạc,...
Động còn có "đường lên trời" và "lối xuống âm phủ". Đường lên trời là một sườn đá dốc càng leo cang cao, lối xuống âm phủ là một cái khe đưa xuống hang sâu dưới đất.

Ngọn núi cao nhất ở đây là núi Bà Lồ, ở phía trước núi động Hương Tích. Nghe một số cụ già trong làng Yến Vĩ kể lại thì trước đây trên núi Bà Lồ cũng có một ngôi chùa cổ đã đổ nát.

< Vẻ đẹp kỳ ảo của nhũ đá trên trần động.

Ở bên ngoài cửa động, trước khi theo các bậc đá đi xuống, chúng ta có thể nhìn thấy một tấm bia hình vuông tạc ngay trên một phiến đá có một bài thơ vịnh Hương Sơn viết khắc bằng chữ Nho theo lối thảo cổ, nét chữ như “rồng bay phượng múa”. Đó là bài thơ của Bùi Dị - một đại thần Dương triều – xưa kia đã từng đi xứ sang Trung Quốc, trong đó có câu: “Mưa đấy, tạnh ngay đấy; Ngày lâu, tháng cũng lâu”.
Dulichgo
Cửa động Hương Tích được tạc bằng đá xanh theo từng phiến, ghép từng viên. Theo một số tài liệu của các cố Hoà thượng trụ trì chùa Hương và già lão thôn Yên Vĩ cho biết thì cửa động được xây dựng từ năm Bính Dần (1914) đến năm Đinh Mão (1918) do thợ Kiện Khê tỉnh Hà Nam được nhà chùa thuê làm cùng với sự trợ giúp của người dân làng Yến Vĩ .

Động Hương Tích là đích đến cuối cùng, sau thời gian khá dài leo núi, người hành hương đặt chân vào động như lạc vào cõi bồng lai tiên cảnh. Động gắn liền với rất nhiều bài thơ nổi tiếng:

Đường vào Hương Tích lượn quanh,
Nước non gấm dệt, màu xanh phủ màn.
Người Niệm Phật, khách tham quan,
Suối thanh tịnh rửa nhẹ nhàng trần duyên...
Dulichgo
Động Hương tích đã trở thành nơi thờ phật lớn nhất của di tích Chùa Hương. Nói đến Trẩy hội chùa Hương tức là nói đến chùa trong động này. Chùa có nhiều tượng quý, Đặc biệt là tượng Phật Bà Quan Âm bằng đá xanh, tạc vào thời Tây Sơn Cảnh Thịnh năm thứ hai(1793). Tượng do viên quan võ tên là Nguyễn Huy Nhật cúng tiến. Vào mùa hội tháng giêng, tháng hai hàng năm, động Hương Tích xanh um màn khói hương tỏa ra và rì rào những âm thanh hỗn hợp trầm trầm của khách hành hương.

Du lịch, GO! tổng hợp

Đậm đà mắm biển Phan Thiết

Nước mắm Phan Thiết được làm chủ yếu từ cá cơm, với nhiều loại như cá cơm than, cá cơm sọc tiêu, sọc phấn… mà ngon nhất là cá cơm than và sọc tiêu. Theo những người làm nước mắm lâu năm ở Phan Thiết, chất lượng nước mắm còn phụ thuộc vào thời gian đánh bắt cá, tốt nhất là vào tháng Tám ta, lúc cá béo, ít mỡ, cơ thịt mềm mại, mới cho nước mắm ngon nhất và đạt độ đạm cao nhất.

Từ tháng Tư đến tháng Tám Âm lịch, khi có gió nồm từ vùng biển phía Nam cũng là lúc cá cơm xuất hiện. Cá cơm đánh bắt được phải qua khâu tuyển lựa kỹ, loại bỏ những con không được tươi hoặc quá nhỏ vì đây là yếu tố quyết định chất lượng nước mắm. Cá được chườm với loại muối có độ tinh khiết cao, hạt nhỏ – đây cũng là nguyên liệu quan trọng bậc nhất trong quá trình sản xuất nước mắm.

Khác với cách làm nước mắm ở Phú Quốc, ở Phan Thiết bà con dùng lu (hay mái) để muối cá thay vì dùng thùng gỗ. Cá không cần rửa lại khi muối vì trước lúc đưa lên bờ cá đã được rửa sạch bằng nước biển.

Cá được muối theo tỷ lệ: cứ ba sọt cá một sọt muối (mỗi sọt muối nặng khoảng hơn 30kg), trộn cho thật đều tay nhưng không làm nát cá, cho vào lu để qua đêm cho thấm. Khi cá trong lu xẹp dần, người ta cho thêm cá và muối cũng theo công thức trên, rồi mở vòi cho nước bổi (nước đầu tiên) chảy hết ra, sau đó tiếp tục đổ muối vào cho đầy lu sao cho cá phải nằm dưới lớp muối, nếu không sẽ sinh dòi, hôi thối.
Dulichgo
Công đoạn kế tiếp của quá trình ướp là lót lá dừa trên mặt lu, ép muối xuống, nén cho thật cứng lớp cá bên dưới bằng đá. Cuối cùng, đóng vòi và đổ nước bổi trở lại cho đầy lu. Làm nước mắm ngon là một nghệ thuật: nước mắm phải lấy nhiều lần, lọc đi lọc lại. Khoảng năm ngày sau là nước trong lu “chín”, tức là đã thành nước mắm.

Làm nước mắm nhỉ đòi hỏi phải công phu hơn. Cũng muối cá để qua đêm cho thấm, sau đó cá được xay cho thật nhuyễn rồi mới chứa vào lu và đem phơi ngoài trời trong vòng hai tháng cho cá “chín”, có mùi thơm. Cá chín được chuyển qua lu có vòi gần sát đáy, rồi cho nước trong lu nhỏ từng giọt vào một khạp nhỏ. Nước trong khạp thơm và trong vắt, màu hổ phách, được gọi là nước mắm nhỉ (không phải nhĩ) có độ đạm là 30. Đây chính là sản phẩm tinh hoa của nước mắm.

Tuy nhiên, còn có một thứ nước mắm mà những nhà sản xuất cất giữ không bán, gọi là nước mắm lú, không dùng để ăn. Để có được nước mắm lú, người ta phải chọn thứ nước mắm nhỉ tinh khiết nhất, sau đó đem cất khoảng chừng 10 năm (có lẽ do cất đâu đó quá lâu, không nhớ nổi, đâm ra lú lẫn nên mới gọi là nước mắm lú).

Đối với người làm nước mắm lâu năm, nước mắm lú là một thứ thuốc: ngư dân khi lặn xuống biển vào mùa lạnh chỉ cần uống một chút sẽ giúp cơ thể không bị lạnh khi ngâm lâu dưới nước. Người ta còn nói, thứ thuốc ấy giúp cho các diễn viên sân khấu cải lương khi hát thanh giọng hơn, dài hơi hơn. Và người bị viêm họng hay đau rát cổ họng chỉ cần uống một muỗng cà phê trước khi ngủ thì chứng viêm họng sẽ biến mất ngay!
Dulichgo
Nước mắm Phan Thiết đã có từ thời vùng đất duyên hải Nam Trung bộ này là tổng Đức Thắng (1809). Khi đó, sản phẩm của những nhà làm nước mắm đã được bán ở Đàng Ngoài. Ðầu thế kỷ XX, nước mắm Phan Thiết đã có một nhãn hiệu nổi tiếng là Liên Thành, được bán rộng rãi trong Nam ngoài Trung và đã ra tận Hải Phòng, Hà Nội…

Theo Bình Phương Thảo (DNSGCT)
Du lịch, GO!

Du lịch Mỹ - 15 năm không dời, không đổi lịch khởi hành...

>> Nhận xét của khách hàng đi tour Mỹ tại Hoàn Mỹ
>> Hình ảnh đoàn khách của DL Hoàn Mỹ tại Mỹ
>> Chương trình du lịch Mỹ tham khảo

Du
lịch Mỹ - Với tour Mỹ, việc dời tour, hoãn lịch khởi hành khi đoàn ít
khách không phải là chuyện hiếm trên thị trường du lịch. Tuy nhiên, tại
Du lịch Hoàn Mỹ, đó là điều chưa bao giờ xảy ra...





Đoàn khách của DL Hoàn Mỹ tại công viên Yosemite (tháng 09/

Thứ Ba, 27 tháng 10, 2015

Mùa thu xứ Mường

(BLC) - Đã lâu lắm rồi mới có cảm giác một mình thong dong giữa mùa thu như vậy. Thu vùng cao Tây Bắc đẹp quyến rũ đắm say. Tôi đi trên những cung đường vòng vèo lưng chừng núi, ngắm sắc thu vùng cao Mường Khương mà lòng cứ miên man cảm xúc khó tả.

Sáng đầu thu trong trẻo. Cái rét se se ngọt ngào mơn man da thịt. Sau giấc ngủ đêm, Mường Khương như sơn nữ vẫn còn mơ màng, nũng nịu trong chiếc chăn bồng bềnh sương trắng. Ấy vậy mà khi mặt trời lên, phía đông ửng hồng, cả thị trấn miền sơn cước cứ dần hiện ra trong màn sương như ở xứ sở thần tiên. Tôi thích sự tĩnh lặng của buổi sớm mùa thu nơi đây. Tuyến đường còn vắng người và các phương tiện qua lại. Trong đêm, những chiếc lá vàng lặng lẽ rời cành, khẽ rơi xuống lòng đường và sống nốt quãng thời gian ngắn ngủi của đời lá trước khi dòng xe qua lại phủ lên một lớp bụi đường.

Từ ban công nhà khách Ủy ban nhân dân huyện nhìn ra xa, dải sương sớm như chiếc khăn bông trắng haững hờ giăng ngang sườn núi. Nắng lên. Nắng thủy tinh dịu dàng đậu trên những vòm lá non. Thứ nắng mới còn tinh khôi trải trên sườn núi xuyên qua lớp sương mỏng đang bay lên như khói nhẹ.
Dulichgo
Mới hôm nào, thị trấn Mường Khương tan hoang sau cơn giận dữ của trời. Trong cơn giông lốc, đá từ trên cao trút xuống khiến hàng ngàn mái nhà không còn đến một viên ngói lành lặn. Những mái nhà lợp bằng tôn dày cũng bị đá bắn thủng lỗ chỗ và gió bão xé rách toang như người đàn bà cả giận xé một cái áo cũ. Thế mà hôm nay, những mái nhà lợp ngói mới trắng lấp lóa trong nắng sớm mùa thu. Những trường học cũng được sửa sang, quét lại vôi, chuẩn bị đón mùa khai giảng mới.

Từ trên cao nhìn xuống, cánh đồng Tùng Lâu xanh mướt màu lúa non. Huyện nghèo Mường Khương đã hồi sinh. Thật cảm phục cho bản lĩnh kiên cường và nghị lực của con người nơi đây. Trong thiên tai, tận cùng khó khăn, người Mường Khương, các dân tộc Mường Khương đã đoàn kết, xiết chặt tay nhau, không ngừng vươn lên xây dựng cuộc sống mới.

Lên xứ Mường không có gì thích bằng được phóng xe máy trên những cung đường đèo dốc quanh co lưng chừng núi, khám phá sự hùng vĩ của núi non. Sắc thu vùng cao đẹp đến sững sờ. Trên sườn núi cao, ngoài những thảm ngô vàng rực, cây lá đã bắt đầu đổi màu theo cái lạnh đầu mùa. Thỉnh thoảng lại bắt gặp một cây khoe màu lá đỏ rực như đốm lửa. Người không có tâm hồn nghệ sĩ cũng phải dừng lại một chút, thả hồn theo mây núi. Tạo hóa đã ban phát cho nơi đây những dãy núi liền núi cứ nhọn hoăn hoắt sừng sững thách thức thời gian.

Mường Khương như công viên đá. Con người nơi đây sống hòa hợp với đá và chinh phục đá bằng bản lĩnh kiên cường. Những nương ngô, lúa, lạc, đậu tương vẫn vươn lên xanh tốt để đến mùa thu lại vàng rực sườn đồi. Mùa thu cũng là mùa đồng bào vùng cao Mường Khương hối hả lên nương bẻ ngô, gùi từng gùi nặng về nhà.
Dulichgo
Từ thị trấn Mường Khương, qua Nấm Lư lên Lùng Khấu Nhin, tôi mải mê ngắm những ngôi nhà nhỏ được tô điểm thêm màu vàng rực rỡ của những cây sào phơi ngô trước cửa, sân phơi ngô vàng ươm trong nắng. Mùa thu, thang gác nhà nào cũng trĩu xuống…

Trong hành trình khám phá xứ Mường, tôi lạc vào chợ phiên Lùng Khấu Nhin nhộn nhịp bên đường. Bà cụ người Mông từ Cao Sơn đem xuống chợ gùi nặng toàn những quả dưa “ngố” vỏ màu vàng ruộm, mập mạp như quả bí đao. Ngỡ là dưa già, nhưng không phải. Giống dưa vùng cao là thế, bổ ra ruột xanh, ăn vào thấy vị thơm mát. Chả thế mà đồng bào đi làm nương vừa đói vừa mệt, cứ ngồi dưới tán cây, ăn quả dưa là bao nhiêu mệt mỏi tan biến hết. Mường Khương là xứ sở của ớt. Loại ớt ngon nổi tiếng làm nên thương hiệu “Tương ớt Mường Khương” được khắp trong Nam, ngoài Bắc biết tới. Ở chợ phiên này, ớt tươi được bày bán thành từng dãy. Chị bán hàng váy thổ cẩm sặc sỡ, tươi cười đong từng bát ớt chín đỏ cho khách.

Mấy tốp thiếu nữ Mông rủ nhau đi chơi chợ chọn mua váy áo, chẳng son phấn gì mà cô nào má cũng hây hây, đôi môi đỏ mọng như trái ớt chín trên nương. Đang giơ máy ảnh lên bấm nhiệt tình, đi ngang khu chợ ăn uống bụng bỗng cồn cào vì mùi phở thơm quá. Cô chủ quán người Nùng tươi cười: Anh ơi, vào đây ăn bát phở Lùng Khấu Nhin xem có ngon như phở ngoài phố không! Phở nóng, ăn giữa cái rét đầu thu, cho thêm miếng dạ dày lợn bản, ít hành lá, cắt thêm vài lát ớt vào. Chà! Cay xè mũi! Ăn vào mà xuýt xoa, nhưng rõ ràng ngon hơn ngoài phố. Đoàn khách Tây đến thăm chợ Lùng Khấu Nhin cũng háo hức vào quán. Anh bạn người Mông bên cạnh rót chén rượu ngô mời. Uống xong, cả ta lẫn Tây đều nhăn mặt, rồi bắt tay cười thích thú.
Giữa trưa, nắng đã lên cao, nền trời xanh ngắt, rời chợ Lùng Khấu Nhin về thành phố Lào Cai mà vẫn còn vấn vương với vẻ đẹp mùa thu xứ Mường.

Theo Tuấn Ngọc (báo Lào Cai)
Du lịch, GO!

Nửa đêm chạy xe về Vũng Tàu

Để tìm quãng nghỉ giữa những tháng ngày bộn bề, chúng tôi có chuyến hành trình đến vùng biển Vũng Tàu, ngắm bình minh thức giấc và chiều tà chênh vênh.
Lý do tôi lựa chọn Vũng Tàu để nghỉ ngơi cuối tuần, ngoài việc nơi này cách TP HCM 125 km, còn là Vũng Tàu có khí hậu rất giống mảnh đất nơi tôi sinh ra và lớn lên. Sáng ửng nắng, trưa chan chát, và chiều sớm hôm dịu ngọt.

Chuyến hành trình của tôi bắt đầu từ đêm thứ 7, rạng sáng ngày chủ nhật. Tôi thong dong cùng người bạn đồng hành di chuyển ra ngoại thành lúc 1h. Chúng tôi đi chậm trên quốc lộ 1, hướng về Đồng Nai. Đến ngã ba Vũng Tàu, chúng tôi rẽ theo hướng quốc lộ 51 để đến Vũng Tàu lúc 5h.

< Biển lúc rạng sáng.

Thành phố vẫn chìm trong bóng đêm. Chúng tôi dừng xe ở quảng trường Vũng Tàu, ngắm biển đêm. Cảm giác bình yên quá đỗi. Trên bãi biển có rất nhiều nhóm bạn đàn hát, hòa với tiếng sóng vỗ bờ. Tôi đã đến Vũng Tàu nhiều lần, nhưng chuyển đi này có lẽ đọng lại nhiều cảm xúc nhất.
Dulichgo
Màn đêm bắt đầu nhạt dần. Bầu trời chuyển mình nhẹ nhàng, như người đẹp đang bừng thức giấc. Bình minh bắt đầu dâng lên cao, mọi thứ như bừng tỉnh. Chúng tôi ngồi trên bãi cát, mọi người bắt đầu kéo xuống biển ngày một nhiều hơn. Biển dịu dàng vỗ những cơn sóng nhẹ.

< Bình minh thức giấc.

Chúng tôi ghé vào một quán bán bánh canh chả cá thơm nồng, rồi đi về phía ngọn hải đăng, vào đường Hạ Long và di chuyển lên con đường nhựa trải dài giữa rừng cây. Con đường quanh co, lúc thẳng tắp và dài hun hút, lúc lại quanh co bất chợt...

Nhìn từ ngọn hải đăng, những ngôi nhà trải dọc theo bờ biển, nhỏ nhắn như những khối mô hình lắp ghép ngộ nghĩnh. Chúng tôi dạo chơi rồi và di chuyển xuống núi để đến Bãi Sau.

< Biển sớm.

Gửi xe bên mỏm đá, chúng tôi ngắm biển rộng và chênh vênh. Lòng người như dịu lại khi đứng trước biển. Biển mênh mông và rộng lớn quá đỗi, khiến người ta như chùn xuống vì sự nhỏ bé của bản thân.
Dulichgo
Ban chiều, khi cái nắng ban chiều nhạt dần, chúng tôi vẫn đi dạo một vòng dọc bãi biển. Biển bỗng trở nên hiền hòa, con sóng không còn ồn ào vội vã như buổi sớm hôm. Mọi người cười đùa trong cái nắng đang chiếu những tia nắng cuối cùng của ngày.

< Thành phố Vũng Tàu nhìn từ ngọn hải đăng.

Đêm về, trước khi rời Vũng Tàu, chúng tôi sau khi ăn tối xong, ghé vào quán kem Alibaba mua những cây kem thơm dẻo ngọt. Chất kẹo trong kem mỗi nơi mỗi khác, nhưng ở đây khiến ta như quên đi cái lạnh, chỉ muốn ăn như những viên kẹo ngọt tan chảy.

Biển vẫn vậy, bình yên của buổi đêm như cô nàng tuổi trăng tròn dịu dàng khép mình khi màn đêm buông xuống. Hẹn Vũng Tàu một ngày nào đó không xa.

Theo Võ Minh Quốc (New Zing)
Du lịch, GO!

Lăng Bình Giang Quận công Võ Di Nguy

Khu vực gò đất cao từ Bà Chiểu tới Phú Nhuận là nơi có nhiều lăng mộ của các công thần thời Trung Hưng nhà Nguyễn, từ Tổng trấn Gia Định Lê Văn Duyệt, Phan Tấn Huỳnh, Phó Tổng trấn Trương Tấn Bửu tới các vị tướng như Võ Tánh, Võ Di Nguy; những người này tuy không sinh ra ở Gia Định nhưng sự nghiệp lại gắn liền với vùng đất này.

Võ (Vũ) Di Nguy theo sử sách nhà Nguyễn thì ông là người huyện Phú Vang (Vinh), phủ Thừa Thiên, ông có công theo Nguyễn Ánh đi Vọng Các (Băng Cốc – Thái Lan ngày nay) – được xếp vào “Bậc nhất Vọng Các công thần”, giỏi thủy chiến, từng làm Cai cơ, quản thuyền Nội Thủy, Trung Thủy, có công rất lớn trong việc xây dựng thủy quân Nguyễn Ánh trong cuộc chiến tranh với Tây Sơn ở Gia Định (1790 – 1801).

Ông mất năm 1801 trong trận đánh tại cửa biển Thị Nại, Quy Nhơn khi cùng Lê Văn Duyệt đốc chiến. Thi hài ông được đưa về Gia Định chôn cất và thờ ở đền Hiển Trung. Năm 1807 được Gia Long tặng hàm Thiếu Bảo và được thờ ở miếu Trung Hưng công thần tại Huế, đầu đời vua Minh Mạng được tặng hàm Thái Bảo, năm 1831 được vua Minh Mạng truy phong Bình Giang Quận công.

Tọa lạc tại Số 19 đường Cô Giang, Phường 2, quận Phú Nhuận ngày nay, Lăng Võ Di Nguy với kiểu kiến trúc chỉ dành cho bậc đại công thần được chia làm hai khu: khu đền thờ phía trước và khu mộ phía sau.

Mộ được đắp bằng ô dước, nhô khỏi mặt đất khoảng 0,25 m, hình chữ nhật với kích thước 2 x 1,6 m. Với kiến trúc gồm bình phong trước, bình phong sau, vòng tường bao xung quanh cùng các trụ cột là những thành phần che chắn, bảo vệ cho phần mộ ở giữa. Mộ được xây dựng có dạng hình chữ nhật vuông xung quanh khắc các đường trang trí và hình tượng “dây lá hóa rồng” đang bay lượn.
Dulichgo
Cách đầu mộ khoảng 1,8 m là bức bình phong hậu bằng ô dước hình chữ nhật, hai bên đắp phù điêu rồng chầu: đầu ôm cột có đính tòa sen, đuôi quấn chân bình phong (phong cách Angkor); ở giữa là 2 ô bài vị khắc chữ Hán: ô bên phải nói về công trạng của Võ Di Nguy, bên trái nói về thân thế phu nhân Võ Di Nguy. Tuy nhiên hầu hết chữ đã phai mờ rất khó đọc.

Khu tiền mộ (sân trước mộ) được ngăn bởi hai bờ tường, chừa cổng vào ở giữa. Đặc biệt, sinh thời Võ Di Nguy là danh tướng thủy quân (tước Bình Giang Quận công) nên trên mỗi bờ tường có tượng con rái cá.

Một hồ nước nhỏ gắn với bức bình phong cao khoảng 1,8 m hai bên có tượng hai con sư tử mắt lồi, đuôi xòe, nhe răng ôm lấy bình phong có chiều ngang 3 m. Mặt trong bình phong chạm hình “vân tùng lộc” (mây, cây tùng và hươu nai), mặt ngoài bình phong rong rêu đã phủ kín.

Đặc biệt, giữa sân phía trước mộ có tượng 2 con lân nhỏ rất đẹp, xứng đáng được liệt vào “tượng linh vật thuần Việt”, đó là chưa kể trên 2 cột trụ vuông có đặt 2 con lân lớn cũng uy mãnh và đẹp không kém... Trước mộ có bệ thờ bằng ô dước dài 1,4 m, ngang 0,6 m, cao xấp xỉ với mặt mộ. Trên bàn thờ đặt lư gốm to. Chân bệ thờ hình bàn quỳ kê trên 4 con kỳ lân ở 4 góc.
Dulichgo
Ngoài bờ tường phần mộ Võ Di Nguy còn có 4 ngôi mộ khác. Bên phải là mộ bà Lê Thị Mười (phu nhân Võ tướng công) và mộ người con trai thứ Võ Di Thiện. Bên trái là mộ người con dâu tên Triệu Thị Đào và một mộ phần vô danh. Cạnh 2 mộ này có một giếng nước cổ. Toàn bộ khu mộ được đắp nổi nhiều hình tượng và trang trí nhiều mô típ hoa văn độc đáo, sống động: búp sen, kỳ lân, rồng, hổ, rái cá; tùng lộc, lộc bình, hoa điểu, hoa cúc dây… cùng nhiều bài thơ ghi công đức của ông và phu nhân.

Đền thờ có từ khi xây cất xong khu mộ, kiến trúc hiện nay của khu đền thờ là kiến trúc được xây dựng lại trong đợt trùng tu vào năm 1972; với kiến trúc chính điện là ngôi nhà tứ trụ truyền thống Nam bộ cùng hai dãy nhà phía Đông và phía Tây hai bên. Bên trong, tại Chính điện có bàn thờ Hội đồng ở giữa, phía trong là các án thờ Võ Di Nguy và người cháu ruột là Võ Di Thái được phong tước Bình Giang Bá, riêng án thờ Võ Di Nguy có bài vị khắc chữ Thần thếp vàng. Trong chính điện còn treo các bức hoành phi, liễn đối bằng chữ Nho thể hiện công trang của Võ Di Nguy.

Ngoài những vật dụng, linh vật thường thấy trong các đình, đền Nam bộ (tượng bạch mã, cặp hạc đứng trên rùa, lọng, thập bát binh khí...), đền còn lưu giữ 2 sắc phong của vua Minh Mạng năm thứ 13 (1832) đề ngày 11 tháng giêng âm lịch và ngày 14 tháng 12 âm lịch, truy phong tước phẩm, ghi trên lụa vàng, đựng trong hộp gỗ cuộn vải đỏ được đặt trong khám thờ. Đặc biệt, vì Võ Di Nguy là tướng thủy binh nên trong các vật thờ cũng có một thuyền rồng.

Đền thờ và mộ Võ Di Nguy là một công trình kiến trúc nghệ thuật có liên quan tới nhân vật lịch sử thời chúa Nguyễn. Đây là kiến trúc lăng mộ có tính chất uy nghi, độc đáo vào bậc nhất của các công thần thời Nguyễn ở Nam bộ. Công chúng tới đây có thể nhận thấy nhiều điều thú vị về cuộc sống và xã hội của con người trong quá khứ một thời ở đất Gia Định xưa. Lăng Võ Di Nguy được Bộ Văn hóa  – Thông tin xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia theo Quyết định số 43-VH/QĐ ngày 07 tháng 01 năm 1993.

Theo Thanh Niên, sách Hành trình di sản văn hóa TP.HCM...
Du lịch, GO!