Chủ Nhật, 18 tháng 10, 2015

Lên Đăk Rơwa sống cùng người Bana

Du lịch văn hóa và khám phá đang là trào lưu của giới trẻ. Loại hình du lịch này vừa mang đến những trải nghiệm mới mẻ, bổ sung thêm kiến thức về văn hóa dân tộc, vừa rèn luyện kỹ năng "mềm" làm vốn sống. Làng Bana ở Đăk Rơwa (TP Kon Tum) là một trong những nơi để du khách có thể thực hành một tour như thế. Những ngôi nhà sàn nằm trên triền đồi nhìn xuống dòng Đăk Bla huyền thoại thơ mộng luôn rộng cửa đón khách phương xa…

Làng Bana cách trung tâm thành phố Kon Tum khoảng 10 cây số. Theo đường Bắc Kạn đến hết đường là cây cầu Kon Klo bắc qua dòng Đăk Bla. Đây là cây cầu treo lớn nhất Tây Nguyên. Xe công nông, xe máy cày và xe tải nhỏ có thể lưu thông qua cầu, không cần phải chạy hơn 20 cây số đường vòng.

Đường vào làng được trải nhựa nhưng đã xuống cấp, chỉ một phần đường gần làng là nguyên vẹn. Xe di chuyển tốc độ khoảng 30-40 cây số mỗi giờ. Bù lại, cảnh vật hai bên đường rất thu hút.

Cách làng vài cây số, chúng tôi đi dọc theo dòng sông Đăk Bla lượt là thơ mộng. Dòng sông mang màu đỏ ngầu của đất bazan, của phù sa, trôi nhẹ nhàng như nàng sơn nữ e ấp. Mùa nước đổ về mạnh, khi có mưa to ở thượng nguồn, dòng nước cuồn cuộn như muốn nuốt chửng mọi thứ trên đường chúng đi qua.

Bao đời nay, người làng Bana vẫn gắn bó với ngôi làng bên bờ sông dịu dàng mà hung hãn đó. Theo truyền thuyết, chỉ có một lần, họ bỏ làng ra đi. Đó là cách đây khoảng hơn một thế kỷ, người làng thấy một con thuồng luồng vùng vẫy trên khúc sông gần làng. Biết là điềm chẳng lành, một số người lén lút rời làng. Người ở lại một thời gian sau bị bệnh dịch, chết liên tục. Hoảng sợ, những người còn sống bỏ làng đi hết. Họ buộc phải rời con sông, rời nơi tổ tiên đã gắn bó, dạt sang các trái núi khác để kiếm sống.
Dulichgo
Nhưng nỗi nhớ làng, nhớ sông đã kéo họ trở về. Khi đó, bệnh dịch qua đi. Sau bao năm bị bỏ hoang, làng trở nên hoang phế. Người ta dọn dẹp, bỏ đi những xác nhà cũ, lên rừng chặt cây về cất lại nhà rông, nhà sàn… Giờ, ngôi nhà rông vẫn sừng sững giữa làng. Xung quanh đó, nhiều làng khác cũng dần hình thành nên. Đặc biệt, những ngôi nhà sàn vách đất trăm năm nay vẫn vững chãi, tồn tại như tài sản quý báu của làng.

Nằm gần thành phố và có không gian thơ mộng nên làng Bana ở Đăk Rơwa sớm phát triển du lịch. Bên đây cầu Kon Klo, nhiều điểm lưu trú dạng bungalow mọc lên để đón khách.

Những ngôi nhà sàn trong làng cũng mở cửa đón khách đến ở và sinh hoạt như một thành viên của làng, của gia đình. Với các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm của phụ nữ, làm gốm, đồ đồng, đồ bạc của đàn ông cùng với nhà rông và những ngôi nhà sàn vách đất…, làng Bana ở Đăk Rơwa trở thành điểm đến hấp dẫn đậm chất văn hóa đặc trưng của Tây Nguyên.

Từ trung tâm làng, xuôi theo dòng Bana khoảng 2 cây số là bến thuyền độc mộc. Ở đó, không gian mang đậm chất làng quê. Dọc bờ sông là những lũy tre để cột thuyền độc mộc. Mỗi chiều về, nhà nhà đều neo thuyền lại đây rồi trở về nhà. Vì thế, để ngắm thuyền độc mộc, du khách phải đến bến thuyền vào buổi chiều hoặc vào trước 9 giờ sáng cuối tuần. Còn ngược dòng Đăk Bla vào hướng núi là những con thác.
Dulichgo
Ở đó, có những ghềnh đá chắn ngang dòng sông tạo thành ghềnh thác mà người làng gọi là thác H’Lay, thác Mốp. Tận mắt chứng kiến những chiếc bè cao su, những chiếc thuyền độc mộc vượt qua những ghềnh thác này, du khách mới hình dung được sự dũng cảm và cách sống chan hòa với thiên nhiên, núi cao, thác dữ của người dân bản địa. Và bên ché rượu cần, bếp lửa đêm giữa làng, những câu chuyện về con đước, một dạng người rừng cao to và khỏe mạnh, càng tạo thêm sự huyền bí, hấp dẫn về đời sống văn hóa bản địa của người Bana.

Những ngôi nhà homestay ở làng Bana (Đăk Rơwa) luôn được cất rộng lớn, sức chứa lên đến 50-70 người. Chủ các homestay là những người yêu quý văn hóa bản địa và nấu ăn rất ngon. Họ sưu tầm lại các món truyền thống, trong đó có nhiều món ăn gắn với núi rừng, để phục vụ du khách. Đặc biệt là sự thân thiện, nhiệt tình của họ tạo nên sự thiện cảm của du khách với làng.

Đến Đăk Rơwa, du khách không cần thuê hướng dẫn viên bởi trẻ em trong làng, người nhà của chủ homestay là những hướng dẫn viên miễn phí. Họ rành đường đi nước bước để hướng dẫn khách thỏa sức khám phá, trải nghiệm những ngóc ngách của làng, của núi và của con sông Đăk Bla huyền thoại.

Theo Thụy Du (Báo Cần Thơ)
Du lịch, GO!

Làng Ba Na bên dòng sông chảy ngược

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét