Thứ Bảy, 10 tháng 10, 2015

Cổ kính chùa Cót - Hà Nội

Chùa Cót tên chữ là Ngọc Quán Tự, thuộc phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, tp Hà Nội. Ngọc Quán tự vốn là một ngôi chùa có từ trước năm 1642 tuy chưa biết đích xác được xây vào năm nào. Theo tấm văn bia có niên đại Dương Hoà thứ 8 (1642) hiện còn giữ tại chùa có ghi việc mua ruộng cúng hậu và làm lại chùa cũ… như vậy chùa ít nhất đã tồn tại từ nửa đầu thế kỷ 17.

Đầu năm 1956 làng Cót thuộc xã Yên Hoà, quận 6, ngoại thành Hà Nội. Đến năm 1961 cắt nửa phố Cầu Giấy về nội thành, còn lại xã Yên Hoà thuộc huyện Từ Liêm. Cuối thế kỷ 20 xã Yên Hoà trở thành một phường nội thành thuộc quận Cầu Giấy, rồi hoàn toàn đô thị hoá.

Chùa Cót nhìn về hướng tây-nam, lưng quay về phía chùa Láng ở bờ đông sông Tô Lịch. Kiến trúc chùa hiện nay mang phong cách nghệ thuật của thời Nguyễn. Sau giai đoạn chiến tranh phá hoại miền Bắc, chùa đã từng bị xuống cấp nghiêm trọng.

Từ cuối thế kỷ 20, chùa bắt đầu được tôn tạo, tu bổ lại gần như toàn bộ các hạng mục, gồm trên trăm gian nhà gỗ làm theo lối cổ. Khuôn viên chùa vẫn còn nhiều cổ thụ và thuộc vào loại rộng ở nội thành Hà Nội.

Kiến trúc của chùa Cót hiện nay bao gồm khu chùa chính làm theo kiểu “nội công ngoại quốc” và khu vườn mới sửa sang ở phía tây với một ngọn tháp cao, trong mỗi tầng tháp đặt 6 pho tượng Phật nhỏ. Cổng ngõ vào chùa ở ngay bên cạnh cổng một ngôi miếu nhỏ mở ra ngã ba phố Hoa Bằng - Yên Hoà về hướng đông-nam.
Dulichgo
Từ ngoài phố bước qua cổng du khách thấy ngay một hồ nhỏ hình tròn dưới các tán lá cây xum xuê. Bên phải hồ tròn là con ngõ khá dài dẫn vào cửa hậu của chùa. Cửa trước thì ở ngay đầu ngõ nhưng thường đóng. Chùa nhìn về hướng tây-nam qua một hồ nước hình vuông, hai bên cầu ao có đôi rồng đá, cũng có cổ thụ che mát nhưng phía trước mặt hầu như bị nhà dân vây kín.

Tam quan xây khá to cao, tầng trên có gác chuông; phía sau là một vườn nhỏ, ở giữa có lối đi qua sân con dẫn đến tiền đường. Dọc bên vườn và sân có hai nhà giải vũ ngắn. Đối xứng với hồ tròn ở bên kia sân con là một hồ vuông nữa nằm ở trước ngọn bảo tháp sơn màu đỏ tím và khu vườn lớn xung quanh chân tháp. Như vậy chùa Cót có tới ba hồ nước ở ba mặt.

Tiền đường rộng 7 gian 2 dĩ, xây liền với nhà thiêu hương 5 gian theo kiểu chuôi vồ, hai bên có hai dãy hành lang rất dài chạy dọc sân sau.
Dulichgo
Giữa sân là toà phương đình, nơi đặt một tấm bia đá lớn đứng trên lưng rùa. Cuối sân là bậc thềm dẫn lên hai toà nhà trung đường và hậu cung xếp song song thành hình chữ “nhị”. Bên phải có Điện Mẫu cũng xây lối chữ “Nhị” với 5 gian 2 dĩ phía trước và hậu cung 3 gian phía sau.

Chùa Cót là một di tích lịch sử: năm 1945 các đoàn thể của mặt trận Việt Minh đã quyên góp cứu tế tại chùa. Tối ngày 18/8/1945 chùa là nơi tổ chức mít-tinh chào mừng chính quyền cách mạng. Sau ngày toàn quốc kháng chiến 19/12/1946, chùa là cơ sở tiếp tế cho bộ đội và tự vệ khu Đại La chiến đấu ở tuyến đường Cầu Giấy và Kim Mã. Tháng 12/1972, chùa được chọn làm sở chỉ huy của chiến dịch tiêu diệt pháo đài bay B52, bảo vệ bầu trời Thủ đô.

Chùa Ngọc Quán được công nhận Di tích lịch sử - văn hoá năm 1994. Hiện nay Thượng tọa Thích Hải Tùng trưởng ban BTSGHPGVN- Quận Cầu Giấy Trụ trì chùa .

Theo Phúc Thịnh (Thiện Tâm)
Du lịch, GO!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét