Lễ hội Cơm mới đền Đông Cuông năm 2015 được tổ chức trong hai ngày 17 và 18/10/2015, tức ngày mùng 5 và mùng 6 tháng Chín âm lịch. Bên cạnh các nghi thức dân gian truyền thống được tổ chức trang trọng, Lễ hội Cơm mới đền Đông Cuông còn có các chương trình văn hóa, văn nghệ, hội thi "Khéo tay làm cốm" và hội chọi trâu.
Theo phong tục, trước ngày diễn ra Lễ hội Cơm mới, tức sáng ngày Mão tháng Chín âm lịch, các trai tân chưa vợ (được gọi là Giai chay) trong trang phục dân tộc Tày Khao truyền thống rước trống, chiêng đón ông Từ về Đền để làm thủ tục lau dọn các ban thờ, thay nước, thay hoa và trầu cau mới. Buổi chiều, có nghi lễ mổ lợn đen làm lễ cúng tiệc tuần, thắp đèn nhang và mở cửa Hậu cung. Lễ hội Cơm mới được mở đầu bằng nghi lễ mổ trâu đen tế thần vào lúc 0 giờ ngày Mão đầu tiên trong tháng Chín Âm lịch.
Dulichgo
Lễ tế theo nghi thức hiến sinh cho trời đất, với nghi lễ linh thiêng và độc đáo của người Tày Khao ở địa phương. Sau khi Chủ lễ làm xong các thủ tục trình thần linh, thổ địa cùng các quan ngài thần thánh, trâu đen được treo lên gốc cây mít cổ thụ hàng trăm năm tuổi trước cửa Đền và được mổ cùng với những tục hèm bí truyền rồi xả thịt làm cỗ đưa vào trong Đền cúng khao quân. Tiết trâu được dùng để làm lễ hiến sinh cầu cho linh hồn những vị anh hùng đã hy sinh ở thác Ghềnh Ngai trong cuộc thủy chiến chống quân Nguyên Mông thuở trước.
Cùng với các sản vật của địa phương, cốm là lễ vật không thể thiếu trên mâm lễ dâng Mẫu trong Lễ hội Cơm mới Đền Đông Cuông. Đã thành thông lệ, cứ độ đầu tháng 10 dương lịch hàng năm, ngay sau khi thu hoạch lúa mùa, ngô, lúa đã chất đầy bồ thì đó cũng là thời điểm để bà con dân tộc Tày Khao xã Đông Cuông bước vào Lễ "Cơm mới" - một nghi lễ nông nghiệp truyền thống cũng là nét văn hóa độc đáo của người Tày Khao với ý nghĩa tổng kết một năm sản xuất, dâng thành quả lao động cúng trời, đất và các vị thần linh; cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, con cháu mạnh khỏe và bày tỏ sự tôn kính lên ông bà, tổ tiên đã khuất.
Dulichgo
Trong những năm gần đây, Lễ hội Cơm mới bao giờ cũng tổ chức Hội thi Khéo tay giã cốm thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương. Đây không chỉ là dịp hội tụ các nghệ nhân có kinh nghiệm trong việc làm cốm để truyền dạy và giáo dục con cháu duy trì, bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hoá truyền thống của người Tày Khao mà còn là dịp để nhân dân xã Đông Cuông giao lưu, học tập kinh nghiệm, tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm cốm, từng bước đưa cốm của địa phương trở thành hàng hoá phục vụ du khách gần xa.
Thực tế, sau nhiều năm bị quên lãng, từ năm 2012 trở lại đây được sự quan tâm của huyện, người Tày Khao xã Đông Cuông tưng bừng phục dựng lại cách thức làm cốm của cha ông. Ở đây, lúa nếp làm cốm là giống lúa nếp Vải dẻo, thơm cấy ngay tại địa phương.
Khi hạt lúa bắt đầu vào chắc, được ngắt từng bông rồi buộc lại thành từng cum nhỏ, nướng chín trong lò than củi đắp bằng đất rồi giã bằng loỏng (máng gỗ) rồi sàng, rồi sảy… để rồi dưới bàn tay khéo léo của người Tày Khao những mẻ cốm xanh dẻo thơm vô cùng hấp dẫn chứa đựng trong đó tấm lòng thành kính dâng lễ tạ ơn Mẫu và tổ tiên trong Lễ hội Cơm mới. Cũng từ hạt cốm dẻo thơm, người Tày Khao còn chế ra các món ăn đặc sắc, vừa ngon vừa có tác dụng bồi bổ cho sức khoẻ như: cháo cốm, bánh cốm, xôi cốm, chè cốm, cốm lam, cơm cốm…Dulichgo
Với tín ngưỡng thờ Mẫu và các anh hùng có công với nước, Đền Đông Cuông là một di tích lịch sử văn hóa, một điểm du lịch văn hóa tâm linh thấm đẫm những huyền tích và truyền thuyết gắn với quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc. Hàng năm, Đền thu hút hàng vạn du khách khắp miền về dâng hương, cầu tài cầu lộc, tìm kiếm những giây phút thư thái, thanh tịnh trong những chuyến hành hương về nguồn. Lễ hội Cơm mới Đền Đông Cuông không chỉ thuần tuý mang yếu tố tín ngưỡng mà còn là hình thức sinh hoạt văn hoá tinh thần mang đậm nét đạo lý, truyền thống tôn kính tổ tiên “Uống nước nhớ nguồn”, tưởng nhớ công lao các vị thánh hiền đã có công lao xây dựng, bảo vệ quê hương đất nước.
Theo Hồng Vân (Báo Yên Bái)
Du lịch, GO!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét