Thiên nhiên đã ban tặng cho Lâm Bình hệ sinh thái đa dạng có nhiều cảnh đẹp hùng vĩ, sơn thủy hữu tình. Nổi bật là 99 ngọn núi xã Thượng Lâm được ví là “Hạ Long cạn giữa đại ngàn”. Thượng Lâm không chỉ nổi tiếng bởi thiên nhiên đã ban tặng cho nơi đây những phong cảnh nên thơ được bao bọc bởi những dãy núi trùng trùng, điệp điệp hay là truyền thuyết về Phượng hoàng bay về mà Thượng Lâm còn là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Đến với Lâm Bình, du khách sẽ được lên thuyền, cùng các cô gái người Dao, người Tày, người Mông khám phá thiên nhiên đầy thơ mộng trên hồ thuỷ điện hay tìm hiểu về những câu chuyện truyền thuyết, dân gian được lưu truyền từ ngàn xưa.
Dulichgo
Đi du lịch thám hiểm vùng lòng hồ thuỷ điện Tuyên Quang trên địa bàn huyện Lâm Bình, du khách được ngắm nhìn một khung cảnh thiên nhiên đầy thơ mộng, trên núi dưới sông; được tham quan, thám hiểm vẻ đẹp kỳ bí của vùng lòng hồ thuỷ điện Tuyên Quang; ngắm dòng nước trắng xoá từ đỉnh núi chảy xuống vùng lòng hồ hay ngắm nhìn thác Khuẩy Nhi với dòng chảy dựng đứng, thích hợp với những người ưa mạo hiểm.
Đến Lâm Bình, du khách còn được ghé thăm các phiên chợ vùng cao của đồng bào các dân tộc nơi đây với những sản phẩm nông sản do chính bà con tự làm ra; được nghe những làn điệu then, cọi, hát ru, hát páo dung, hát giao duyên ngọt ngào, đằm thắm mà da diết của đồng bào dân tộc Tày, Dao; nghe tiếng kèn pí lè, kèn lá và điệu múa khèn của những chàng trai, cô gái dân tộc Mông.
Du lịch văn hóa tâm linh là một trong những tiềm năng lớn của huyện Lâm Bình, hiện trên địa bàn còn lưu giữ được những ngôi đền, chùa có niên đại từ khá lâu, mang đậm nét văn hóa của đồng bào dân tộc vùng cao trong đó phải kể đến là ngôi đền Pú Bảo, chùa Phúc Lâm.
Đền Pú Bảo là nơi thờ Quận công Thiếu Bảo tức Tướng quân Nguyễn Thế Quần, một Quận công vừa có tài vừa có đức, luôn chăm lo đến đời sống của muôn dân. Đền được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 2014.
Dulichgo
Chùa Phúc Lâm nằm ở thôn Nà Tông, là một ngôi chùa cổ được xây dựng từ thời nhà Trần, vào khoảng thế kỷ XIII - XIV. Năm 2011, chùa được phục dựng bằng gỗ, theo hướng Tây Nam, nằm ngay trên khuôn viên của ngôi chùa cũ, kiến trúc hình chữ Nhất theo phong cách kiến trúc cổ Việt Nam, gồm một gian hai chái, mái lợp gạch nung. Hàng năm, cứ vào dịp lễ tết (nhất là dịp lễ hội Lồng tông vào ngày 15 tháng Giêng), nhân dân và du khách gần xa đến với Lâm Bình đều hướng tới ngôi chùa Phúc Lâm để tham quan, cầu an, cầu lộc, cầu cho mùa màng bội thu. Chùa đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích cấp quốc gia.
Những năm gần đây, huyện Lâm Bình đã cho khôi phục các lễ hội truyền thống như Lễ hội Lồng tông xã Thượng Lâm, Lăng Can, Lễ hội nhảy lửa của đồng bào dân tộc Pà Thẻn xã Hồng Quang. Các lễ hội của Lâm Bình mang đậm màu sắc dân gian độc đáo đã thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh vào những dịp đầu xuân. Khách du lịch đến với Lâm Bình còn được thưởng thức những món ăn truyền thống của người Tày, người Dao như cơm lam, thịt chua, thịt trâu khô, cá mắm ruộng, chè Khau Mút, rượu ngô, rượu thóc men lá…
Con người và thiên nhiên hoà quyện đã tạo ra cho Lâm Bình một tiềm năng du lịch hấp dẫn. Hãy đến với Lâm Bình để tham gia tour du lịch đường thủy và đi thăm các phiên chợ vùng cao, tham gia sinh hoạt văn hoá văn nghệ với đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.
Tổng hợp từ Truyền Hình Tuyên Quang
Du lịch, GO!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét