(QNO) -
Bãi biển Tân Định thuộc xã Đức Thắng (Mộ Đức) cách tỉnh lỵ Quảng Ngãi khoảng 20 km về hướng đông nam. Nơi đây hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi cho việc xây dựng khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hóa lý tưởng.
Đến với biển Tân Định có non xanh nước biếc hữu tình, du khách được đắm mình trong thế giới yên tĩnh, dịu êm của biển cả, nghe từng cơn gió mát lạnh phả vào da thịt. Trong phút giây ngẫu hứng, bạn cũng có thể với đôi chân trần chạy dọc dài trên bãi cát trắng, bắt những chú còng gió, sau đó dùng lá phi lao khô có sẵn để nướng lên làm thức ăn, mồi nhậu.
Đứng ở phía bờ biển phóng tầm mắt nhìn về hướng tây, khách thăm quan sẽ bắt gặp một dãy núi. đó là núi Long Phụng, nằm trong quần thể khu du lịch.
Phía nam của núi là hòn Long, có loại đá trắng, khi ánh mặt trời chiếu rọi vào thấy một màu trắng xóa, nên dân gian gọi là núi Đá Bạc. Phía bắc là hòn Phụng, cấu tạo bởi đá tổ ong, có sắc màu đỏ tươi như gạch. Do nằm liền kề nhau tựa đầu rồng, đuôi phụng, nên người địa phương gọi là núi Long Phụng. Cuối đuôi Long Phụng còn có một quả núi hình nón, đứng tách biệt, mang tên núi Một.
Trên núi Long Phụng có cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, ăm ắp các di tích lịch sử văn hóa, là điều kiện tốt cho khách thăm quan, thưởng lãm. Đó là chùa Ông Rau, một ngôi chùa khá đặc biệt, tọa lạc trên lưng chừng núi, mặt quay ra biển.
Dulichgo
Chùa được kiến tạo bởi những tảng đá tổ ong son đỏ nhuốm màu huyền thoại. Tương truyền xưa kia có một nhà sư chuyên ăn ngũ cốc để sống, không kinh kệ, không đệ tử bổn đạo, suốt ngày ngồi tham thiền. Đến đúng giờ ngọ, ngài trở dậy hái rau rừng ăn qua loa rồi tiếp tục nhập định. ông ăn rau nên gọi ông là Ông Rau, hang động ông tu gọi là chùa Ông Rau. Hiện nay chùa vẫn còn lại hang đá cô tịch với ba bệ thờ đơn sơ đêm ngày bảng lảng khói sương.
Đứng trên ngọn núi Long Phụng du khách có thể nhìn bao quát một vùng rộng lớn của tỉnh. Ngoài kia là biển Đông thấy đảo Lý Sơn thấp thoáng trong sương mờ, thấy mũi Ba Làng An như hạm đội nhoài mình ra biển. Xa xa phía bắc là núi Thiên Ấn, núi Thiên Bút, biểu tượng thiêng liêng của Quảng Ngãi. Rồi dòng sông Vệ như dải lụa trắng chạy quanh co giữa những làng mạc và đồng ruộng mênh mông. Phía nam núi chập chùng nhấp nhô chạy đến tận cửa Sa Huỳnh. Ở độ cao này du khách sẽ tận hưởng bản hợp xướng âm thanh bất tận của đất trời. Hòa trong tiếng sóng biển rì rào là tiếng vi vút của rừng dương và tiếng chim hoan hỉ hót trong những tán cây rừng.
Dulichgo
Được biết, để khai thác tiềm năng thiên nhiên ban tặng cho bãi biển Tân Định, phục vụ trong mục đích du lịch, chính quyền địa phương và các ngành chức năng đã tiến hành lập dự án qui hoạch và phát triển vùng bãi biển này. Theo đó, các hạng mục công trình cần được xây dựng như: Hệ thống giao thông, công trình thoát nước, đèn chiếu sáng, nhà giữ xe, các kiốt bán hàng, công trình vệ sinh, nhà hàng, nhà nghỉ dưỡng, bể bơi, khu thể thao vui chơi giải trí… Hy vọng một ngày không xa, khi tuyến đường dọc biển Dung Quất - Sa Huỳnh đi ngang qua đây hoàn thành, "nàng tiên" biển Tân Định đang say giấc ngủ nồng sẽ được đánh thức bởi các nhà đầu tư.
Theo Xuân Dũng (Báo Quảng Ngãi)
Du lịch, GO!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét